Người học đạo nếu chỉ học phần ngọn, hấp thụ phần ngoài da, rút cuộc không thể cứu minh được chỗ cao xa diệu mầu. Muốn nghiên cứu đại đạo cần phải cùng tận chỗ cao sâu, lấy đó chiếu sáng chỗ u huyền vi diệu thì ứng biến không cùng.

Học đạo tới chỗ ngộ là khó, đã ngộ rồi mà giữ được lại là khó, đã giữ được mà thực hành theo cũng lại là khó.  Nay đương lúc thực hành đạo thì cái khó lại hơn cả khi ngộ đạo và giữ đạo.  Vì lẽ ngộ đạo và giữ đạo thì chỉ tinh tiến và kiên trì, gắng gỏi ở chỗ hết sức mình mà thôi.  Còn việc hành đạo thì tất phải bình đẳng ở nơi tâm, thề chết quên mình để đem lợi ích cho người làm nhiệm vụ. Nếu tâm chẳng bình đẳng, lời thề không vững chắc thì tổn và ích bị đảo ngược, liền sa ngã vào con đường làm thầy việc thế tục, đó là điều nên sợ hãi.