Đầu Năm Heo Nói Chuyện Bát Giới

Cây cối, đất đá rơi đổ ầm ầm, khói lửa mịt mùng, động Vân Sạn như muốn nổ tung.  Hai lão quái vật đánh nhau đến trời long đất lở, lão Trư bị Tôn Hành Giả đánh cho tơi bời hoa lá.  Đến khi bị hàng phục mới vỡ lẽ ra đều là người một nhà nên dẫn về ra mắt Đường Tam Tạng.  Sau khi nghe hết duyên do sự tình, thầy trò Tam Tạng vui mừng bèn cho thiết bàn hương án vọng bái lễ tạ đức Quan-thế-âm Bồ-tát. Lạy tạ xong quay lại bảo: 

– Đã theo thiện quả và xin làm đồ đệ của ta, vậy ta đặt cho một pháp danh để sớm tối gọi tên cho tiện.

Lão Trư nói: thưa sư phụ, con đã được bồ-tát xoa đầu thụ giới, đặt cho con pháp danh là Trư Ngộ Năng rồi!

Tam Tạng cười bảo:  Tốt! tốt! sư huynh con là Ngộ Không, con là Ngộ Năng, cũng đều thuộc tông phái trong pháp môn ta cả.

Ngộ Năng nói:  Thưa sư phụ! Con đã nhận giới hạnh của Bồ-tát đoạn tuyệt với ngũ huân, tam yếm[1], ở nhà với bố vợ ăn chay giữ giới, không bao giờ ăn mặn, nay gặp sư phụ con xin phá giới một bữa.

Tam Tạng bảo:  Không được, không được! con đã không ăn mặn rồi, vậy thì ta đặt cho một tên nữa là Bát Giới nhé!

Chép một đoạn Tây Du thay cho phần mở đề!

*

*     *

“Chúng ta học Phật mục đích quan trọng và lớn nhất chính là sự giải thoát sinh tử.”  Đây là câu nói rất thiết yếu mà tất cả người học Phật, tu Phật thảy đều nên biết, ghi nhớ nằm lòng nhất là hàng Phật tử tại gia.  Còn hàng xuất gia tất nhiên tự biết. Vì sao? Vì xuất gia có nghĩa là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia.  Thế tục gia đã lìa rồi, tiến đến phải lìa phiền não xuất tam giới.  Nếu chẳng thế thì chẳng gọi là hàng xuất gia.  Bài viết này chúng tôi chỉ hướng đến hàng Phật-tử tại gia.  Do vì hàng Phật-tử tại gia trăm công ngàn việc, lo toan đủ điều cho sự nghiệp, công danh, gia đình và cuộc sống.  Tuy cũng muốn học Phật cho tốt, cho rốt ráo nhưng sự đời lại chẳng chìu lòng người.  Cũng vì ưu tư và lo lắng này mà đức Phật chế ra pháp thọ Bát Quan Trai Giới trong lục nhật trai, là để cho hàng tại gia nhị chúng gieo trồng căn lành giải thoát, thú hướng xuất ly, nên đặc biệt chỉ bày pháp môn hy hữu, phương tiện tối thắng này.  Kinh Xử Thai nói:  “Bát quan trai giới là cha mẹ chư Phật.” Thái Hư đại sư nói: “Đây là Phật vì cư sĩ tại gia chế ra giới điều để luyện tập ngắn hạn đời sống xuất gia,” mong chư vị thọ giới không nên xem thường đó vậy.  Thọ Bát Quan Trai chắc quý vị chẳng còn lạ gì nếu ai đã từng thọ giới tu trì.  Nhưng ý nghĩa có thật hiểu hay chưa? Khó mà nói chắc được!  Bởi vậy,  vì muốn những ai đã thọ, chưa thọ và sẽ thọ bát quan trai giới được lợi ích mà không ngại phần kiến văn hẹp hòi của mình giới thiệu với quí vị.

Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang: Bát quan trai giới còn gọi Trưởng dưỡng luật nghi, cận trú luật nghi, bát giới, bát chi trai giới, bát phần trai giời, bát giới trai, bát trai giới, bát cấm, bát sở ưng ly.  Bát quan trai giới là tám pháp trai giới:

  1. không sát sinh.
  2. không trộm cắp.
  3. không dâm dục.
  4. không vọng ngữ
  5. không uống rượu
  6. không dùng hương hoa trang sức nơi thân, không xem nghe ca múa
  7. không ngồi nằm giường rộng cao đẹp
  8. không ăn phi thời.

Trong bát giới thì 7 phần trước là giới, một phần sau không ăn phi thời là trai, hợp lại gọi là bát quan trai giới.  tám pháp này Đức Phật chế định mỗi tháng giữ 6 ngày trai tức mỗi tháng vào ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29,30 (nếu tháng thiếu thì 28, 29 tính theo Nông Lịch).

Chữ Bát là số mục, vì khi thọ giới này, để phòng và ngăn chặn tám việc, nên gọi là bát chi) hay bát phần, tức tám phần ngăn che này.  Trong Phật pháp: giới có nghĩa là ngừa quấy ngăn ác (phòng phi chỉ ác).  Quan: giải theo chữ có nghĩa là đóng, hàm nghĩa là người thọ giới rồi tức là đóng cánh cửa của tam ác đạo, không còn rơi vào trong ba đường dữ nữa.  Chúng ta đóng bằng cách tu các thiện pháp, tạo bao việc lành.  Trai có nghĩa thanh tịnh bởi vì trai giới có thể giúp cho tâm được thu nhiếp tịch tĩnh, đoạn được hết mọi tội lỗi, phát sinh được sức phòng hộ sáu căn.  Trai theo Ấn độ có nghĩa Bố-tát, hoặc Bao-sà-đà cũng có nghĩa là tịnh trụ và trưởng dưỡng.  Hàng cư sĩ tại gia vào các ngày lục trai, thọ bát quan trai giới để trừ khử dần các ác pháp, đồng thời tu tập thêm các pháp lành, khiến thiện pháp tăng trưởng, ác pháp giảm dần, nhờ vậy thân tâm mới trụ nơi thanh tịnh, trọn ngày không trụ trong phiền não và tội nghiệp, nên gọi là tịnh trụ.  thứ nữa, hàng tại gia học Phật, nhờ thọ bát vào các ngày lục trai, khiến thiện pháp mỗi ngày tăng trưởng, với sự tu tập không ngừng ấy, nên công đức không ngừng trưởng dưỡng, vì vậy gọi là trưởng dưỡng.

Bát quan trai giới còn gọi là Cận-trụ luật nghi, hay Trưởng-dưỡng luật nghi.  Cận-trụ luật nghi: là do thân cận Tam Bảo, an trụ ở Đạo tràng của Tam-bảo, chịu sự huân tập của tư tưởng Tam bảo:

1.- Cận thời nhi trụ (ở thời gian ngắn) chỉ cho thời gian ngắn tạm thọ giới một ngày đêm.

2.- Cận trụ thọ giới trụ: bát quan trai giới thời gian tuy ngắn, nhưng rất gần với giới xuất gia một đời nên gọi là cận trụ luật nghi.

3.- Cận A-la-hán trụ: thọ bát quan trai giới, học tập đời xuất gia đó là hành môn của A-la-hán.  Tuy hôm nay còn là một kẻ phàm phu, song nhờ thân cận chỗ A-la-hán, cùng A-la-hán gần gũi ngày đêm, thanh tịnh thân tâm, phòng hộ giữ mình, tuy chưa xuất ly tam giới ngay được, nhưng nhờ nương công đức trai giới này, gieo trồng hạt nhân xuất thế thù thắng, tương lai chắc chắn được giải thoát.

Chúng ta đã hiểu sơ về ý nghĩa của Bát quan trai giới rồi, tiến thêm bước nữa chúng ta đi sâu vào phần duyên khởi cùng lợi ích của Bát chi giới này.  Phật giáo sở dĩ có chế độ xuất gia, đức Phật lập Tăng đoàn, mục đích để cho chính pháp mà Như-lai cần khổ chứng đắc được tiếp nối lâu bền ở thế gian. Trong kinh Phật thường thuyết phải tu tập suốt ba đại a-tăng-kỳ kiếp lâu xa mới thành Phật được. Đức Phật hiểu rõ căn lành giải thoát xuất thế không thể gieo trồng trong chốc lát, mà phải huân tập lâu dần mới thành tựu nên tạo ra pháp Bát quan trai này.  Trong Luận Bồ-tát Bổn Sinh nói: “Lợi ích của xuất gia cao hơn cả Tu-di, sâu hơn biển cả, rộng hơn hư không.  Sở dĩ như vậy là do xuất gia mới thành phật, ba đời chư Phật chưa có vị nào thành Phật mà không do nhờ xả gia xuất gia cả”.  Như Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên thuyết:  “Cho người xuất gia hoặc tự xuất gia, hoặc già hoặc trẻ, phúc đức vô cùng”.  Bằng ngược lại, chúng ta tự mình đã chẳng thể xuất gia, chẳng khuyên người xuất gia mà có ý làm trở ngại thì quả báo phải chịu như Kinh Xuất Gia Công Đức nói: “Nếu có người phá hoại nhân duyên xuất gia của người khác, tức là cướp đoạt kho báu vô tận phúc thiện, hủy hoại nhân của 37 phẩm trợ đạo ở nơi 4 đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhân) sinh ra thường đui, người này không có ngày giải thoát”.  Phật pháp dĩ nhiên chẳng kêu gọi hết cả mọi người phải xuất gia, chỉ có điều hoàn cảnh thanh tịnh và phương thức sinh hoạt của đời sống xuất gia thích hợp với những người tìm cầu xuất ly và tiến tu giải thoát.

Chiếu theo lịch sử thì tập xưa ở Ấn Độ đã có phép tu tương tợ như pháp Bát quan trai giới.  Do xưa kia lúc cõi Ta-bà này mới thành lập Ác quỷ lộng hành trong những ngày lục trai trong tháng nên đã chế ra phép nhịn ăn sáu ngày này để tránh tai họa.  Theo Kinh Tứ Thiên Vương thì nói:  “Sở dĩ đức Phật cho thọ bát quan trai giới vào lục nhật trai, bởi vào các ngày này, chư thiên thường đến nhân gian để xem xét thiện ác.  Nếu thiên hạ làm ác nhiều thì trừng phạt, gây cho nhân loại nhiều điều nghịch ý, nếu thiện nhiều thì ủng hộ, bằng cách cho nhân loại nhiều việc tốt lành”.  Luận Tỳ-bà-sa quyển 41 nói: “Vào các ngày trăng sáng, tối, thường ngày 8 hoặc 14, hoặc 15, chư Thiên 33 từng trời tập họp ở Thiện Pháp Đường luận kể thế gian bao nhiêu thiện ác, thấy người làm thiện thì ủng hộ, thấy người làm ác thì hủy đi”.  Kinh Địa Tạng nói:  “Mười ngày trên đây là ngày mà các nghiệp tội kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ”.  Vì thế mà chúng ta thường trì trai giữ giới tu tập làm lành trong sáu ngày, hay mười ngày này.  Những ai đã phát tâm thọ trì tám giới, thì phải thời thời khắc khắc thủ hộ tâm mình, vì tâm là đầu mối của tội họa, tội ác nào cũng do tự tâm ra, nếu khéo hành đúng tinh thần tám giới, luôn luôn phòng giữ tự tâm, ắt không phát triển ác nghiệp nữa, nên gọi là bố-tát hộ.  Thọ trì bát quan trai giới, dĩ nhiên không chỉ chuyên phòng hộ nội tâm, mà phòng cả thân khẩu nữa, nên Cổ Đức thường bảo: “nơi tâm gọi hộ, nơi thân khẩu gọi giới.” Điều quan trọng nhất khi thọ giới là phải phát tâm rộng lớn, có phát tâm rộng lớn thì tuy giữ giới một ngày đêm vẫn đạt được phúc đức thù thắng.  Có nghĩa là khi các vị phát tâm thọ bát quan trai giới không nên vì công đức hay giải thoát riêng mình, mà nên vì tất cả chúng sinh cùng thọ giới hạnh này.  Không xem công đức thọ giới là của riêng mình, mà coi như của chúng sinh chung có, nguyện cùng chúng sinh đồng hướng đến quả vô thượng Phật đạo, như vậy mới có thể đạt được công đức thù thắng.  Ngẫu Ích đại sư từng nói: “Chỉ cần nhân duyên của một ngày đêm bát quan trai tất được đầy đủ kho báu hết thảy hằng sa số vô lượng công đức của Phật-pháp.”

Đến đây, quý vị đã biết sơ về duyên do cùng lợi ích của bát quan trai giới rồi.  Bây giờ đi thẳng vào phần thọ giới và thực hành giới. Chúng ta phát tâm học Phật đương nhiên không phải để thỏa mãn tánh hiếu kỳ, làm tăng kiến thức, cầu tiêu khiển, mà để mong cầu thánh quả, chứng Niết-bàn giải thoát.  Song thánh quả không phải chỉ do mong cầu suông mà được, mà phải cầu bằng sự thực hành thiết thật chính là đoạn ác và tu thiện, nếu ác pháp không đoạn trừ, thì thiện pháp khó mà tu tiến được.  Kinh Lục Đà la ni nói:  “Các ma nghiệp ở nơi ta, nếu không sám hối trước, ắt không sao phát tâm duyên Vô-thượng giác, cho nên mọi tội lỗi cần phải sám hối trước”.  Kinh Tăng A Hàm nói:  “Nếu thọ bát quan trai, trước tiên phải sám hối các tội tạo từ trước, sau đó mới thỉnh thọ giới pháp”.

Các pháp sự trong Phật giáo phần đông đều bắt đầu bằng lễ sám hối, đặc biệt là lúc quy y và thọ giới, lại càng không thể thiếu phần sám hối.  Có điều khi cử hành pháp sám hối, phải chí thành tận đáy lòng quyết cải đổi các lỗi xưa, triệt để tịnh hóa thân tâm, mới tiêu trừ được mọi nghiệp chướng từ vô thủy.  Nếu chỉ bằng hình thức bề ngoài sám hối, thì không sao tiêu trừ được tội nghiệp.  Hết thảy tội chướng như ngôi nhà tối ngàn năm, tàm quý sám hối như ngọn đèn chiếu phá bóng tối ngàn năm.  Cho nên quý vị thọ giới nên sinh tâm đại tàm quý chân thật sám hối, chí thành lễ Phật, chẳng những mọi sự đều thành tựu, mà ba nghiệp đều được thanh tịnh.  Phàm phu chúng ta thường bị phiền não vọng khởi, không chế ngự được mình mà phạm giới, khiến thân tâm ô nhiễm.  Muốn khôi phục sự thanh tịnh ắt phải hành pháp sám hối mới khỏi bị chướng ngại khi tu học Phật.  Phơi bày các lỗi của mình, bộc bạch các tội đã gây, không dám che đậy chút nào, như vậy rồi còn phải đoạn trừ tâm tương tục, ăn năn chán ghét các tội lỗi tự gây, tuyệt đối xả bỏ không bao giờ tái phạm, đó mới là điểm quan trọng nhất của pháp sám hối.  Ấn Thuận luận sư nói: “quy tắc của giới luật không ở nơi một người, ở nơi đại chúng… người học nên theo chân tinh thần của cổ thánh, phát lồ tội lỗi, không dám che dấu, không dám tái phạm, để thân tâm được thanh tịnh, thừa thọ vô thượng pháp vị.”  Công khai bộc bạch hết mọi tội lỗi, điều này không phải dễ làm, bởi một khi nói ra lỗi lầm sẽ làm mất thể diện, hại danh dự, vì vậy mà kẻ phạm tội thì nhiều, người nhận tội thì ít.  Cũng chính vì nguyên nhân này mà đành chịu đắm mình mãi trong hố sâu tội lỗi, không chịu thoát ra.  Đại sư Linh Phong Ngẫu Ích rất khẩn thiết bảo với những người không dám phát lồ tội lỗi: “Người ta khi tạo tội, thực đang làm ác mà không biết xấu hổ.  Nay phát lồ trước mọi người, đó là điều thiện, lại cho là xấu hổ.  Cam lòng giữ ác mà tránh điều thiện, dần dà thành ác trong ác, vĩnh viễn không có ngày ra, điên đảo ngu si, còn có gì hơn đây nữa?”  Thật là lời nói chí thiết chí tình, con người ta khi không làm chuyện ác thì muốn mọi người biết, nhưng khi làm ác, do vì phiền não xung động, chẳng còn biết xấu hổ nên có can đảm làm quấy.  Đợi đến lúc chuyện ác đã rồi, biết rõ đó không phải là việc đúng, nhưng vì sợ mất thể diện, nên che dấu không chịu tiết lộ với ai.  Có biết đâu, vì không dám phơi bày tội ác, nên cội gốc tội ác của họ không sao thanh tịnh được, như vậy chẳng phải như đại sư Ngẫu ích đã nói: điên đảo ngu si hay sao?  Nhưng ở thế gian này, chuyện gì nói cũng dễ, làm mới khó, nhất là việc công khai sám hối này lại càng không đơn giản.  Hy vọng mọi người đều là những viên tướng dũng mãnh trong công cuộc tiên phong cải đổi lối tư tưởng tệ hại này.

Trong pháp Sám-hối phải biết lấy tàm quý làm thể, vì vậy có thuyết cho sám gọi là tàm, hối gọi là quý.  Tàm là xấu với người, quý là hổ với mình.  Tàm quý thực sự mạnh và đủ sức, chính là tâm tàm quý đối với tự thân.  Tức chúng ta niệm niệm tàm quý, tức chính là niệm niệm tu trì trang nghiêm thanh tịnh, đâu đến nỗi phạm giới hay tạo ác, và căn lành công đức của ta trong niệm niệm cũng được tăng trưởng.  Cho nên người học Phật phải coi trọng pháp này.  Phải biết Phật với ta vốn đồng một tánh giác mà sao ta hiện tại lại đến nỗi như vầy?!  một niệm tàm quý tâm này hiện khởi liền lập chí sửa đổi con người, không chỉ sửa sai mọi lỗi lầm trong quá khứ, còn quyết tâm không tái tạo mọi ác nghiệp, nhờ vậy dần dà khai mở giác tính sẵn có nơi mình đồng Phật không khác.  Đồng thời phải biết, các tội ác ẩn dấu trong tâm, nếu không do tâm tàm quý khởi sức sám hối, ắt nội tâm không bao giờ được an lạc.  Nên trong Giới Kinh nói: “có tội nên sám hối, sám hối ắt thanh tịnh.”

Theo đúng pháp thọ bát quan trai giới thì phải thọ từ sáng sớm trong ngày là đúng pháp nhất, nếu để sau ngọ mới thọ thì không đắc giới.  Nhưng trong Bà Sa Luận lại phương tiện nói: “Người phát tâm thọ giới, giả sử nghĩ rằng ngày mai mình phải thọ giới, nhưng đến lúc đó, tự nhiên gặp chuyện phải lo, quên béng mất bát quan trai, cho đến khi xong việc về nhà dùng bữa mới chực nhớ lại, vội đến thọ bát quan trai giới cũng có thể được.  Nhưng điều này không những không thể coi là đương nhiên, mà phải sinh tâm tàm quý, cho rằng mình quá lơ là, từ nay về sau không được làm thành lệ”.  Phải biết trường hợp trên là trường hợp vạn bất dĩ lỡ một lần thôi.  Còn như trường hợp trong vùng lân cận không có Tăng-già thì có thể đối trước Phật, tự nguyện thọ hành bát giới, vẫn đắc giới như thường.  Nhỡ luôn cả tượng Phật cũng không thì có thể nhất tâm hướng lên không trung, trong tâm tưởng và miệng nói như vầy: “Con nay thọ trì bát quan trai giới,” như vậy vẫn đắc giới.  Nơi đây điều đáng chú ý nhất là hành giả phải dụng tâm chí thành, tâm cung kính, tâm ân trọng, tâm thanh tịnh tha thiết cần cầu mới được cảm ứng và đắc giới. Bởi vì pháp thân chư Phật biến khắp hư không, như kinh nói: “Đức Tỳ-lô-giá-na thân khắp cả chỗ, chỗ của Phật ở gọi là Thường Tịch Quang, cho nên phải biết cả thảy các pháp đều là Phật-pháp.”  Người thọ giới phải trì giới thanh tịnh không được hàm hồ.  Hành Sự Sao trích dẫn Kinh Thiện Sinh nói: “Thọ bát giới không được đông, chỉ riêng mình thọ.”  Hiện nay đa số các chùa tổ chức thọ bát quan trai giới đều là nhiều người cùng thọ, trên tình lý thì không có gì hại, nhưng đối giới luật thì không được mỹ mãn.  Sở dĩ trong kinh nói riêng một người thọ vì để hành giả chuyên tâm nhất ý đến giới hạnh mình thọ, không để cho tâm niệm thuần khiết này bị các hỗn loạn khác làm động, cũng là biện pháp bất đắc dĩ, chỉ mong các vị bảo trì nghiêm túc.  Cho nên thiết tha mong các vị hộ tịnh giới như giữ tròng con mắt, để tránh mọi tội ác khiến cho việc trì giới được thanh tịnh.  Trong Kinh Niết-bàn kể:  “Quá khứ có vị bồ-tát dùng chiếc ván trôi qua biển, trôi đến giữa biển xuất hiện một La-sát, đòi chiếc ván của Bồ-tát, Bồ-tát bảo La-sát: nhà người muốn gì cũng được trừ tấm ván này, đừng nói cả tấm, một miếng nhỏ cũng không được”.  Tấm ván này như giới của chúng ta, nếu thiếu một mảnh cũng đủ hại mất huệ mạng, vì vậy các vị nên cố giữ gìn giới hạnh như giữ mạng sống.

Lại nữa, khi phát tâm thọ giới, bất luận trước hay sau, hoặc trong khi thọ giới, phải nghiêm túc dùng tám giới rửa sạch thân tâm, khiến thân tâm tương ưng với giới, do vậy mới được thanh tịnh và đủ công đức thù thắng.  Mà muốn được công đức thù thắng thì trong khi thọ bát trai giới một ngày đêm, phải buông bỏ hết mọi việc thế tục, đem trọn thân tâm tắm gội trong Phật-pháp, chịu sự thấm nhuần của Phật-pháp và tương ưng với Phật-pháp. Nếu như là hạng chỉ biết hùa theo người, thọ giới thì thọ giới, nhưng chưa hề chuyển đổi mình theo giới, thì kết quả chỉ là một ngày luống không trôi qua vô ích mà thôi. Thành Thật luận nói:  có 5 pháp có thể khiến cho giới hạnh được thanh tịnh.

  1. Trong thời gian thọ giới, có thể đúng như pháp hành thập thiện.
  2. Trong thời gian thọ giới, đoạn trừ hết các điều gây não hại cho chúng sinh từ trước hay sau này, không còn làm chúng sinh chịu khổ nữa.
  3. Trong thời gian thọ giới, không để cho ác tâm làm não loạn nội tâm, tức không để cho các niệm không chính đáng khởi lên, để khỏi trở ngại cho sự thanh tịnh của giới hạnh.
  4. Trong thời gian thọ giới, luôn luôn nhớ tưởng Phật, pháp, tăng, giới, xả, thiện để thủ họ cho giới hạnh. dựa vào công đức của sáu niệm này bảo trì cho giới hạnh thanh tịnh.
  5. Trong thời gian thọ giới, nguyện đem công đức trì giới này, hồi hướng đến cứu cánh Niết-bàn, quyết không dùng công đức này cầu phúc báo nhân thiên. thọ trai giới như vậy thì giới hạnh ắt thanh tịnh.

Thọ giới điều quan trọng là phải đắc được giới thể, nếu không đắc giới thể cũng đồng như không thọ.  Trong Ngũ Chính Phạm nói: “Thọ Tam quy rồi liền đắc giới thể ”.  Ở đây chỉ cho trường hợp là từ bậc truyền giới cùng hành giả thọ giới đều nghiêm cẩn thanh tịnh.  Hoằng Nhất luật sư căn cứ theo Tam Pháp thứ đệ trong Tư Trì Ký giải thích: “Bất luận thọ ngũ giới hay bát giới, khi nói ba lần thệ nguyện quy y là đã đem giới thể quy nạp nơi tâm, quá trình của nó như sau: khi nói thệ quy y biến thứ nhất, do sức quan hệ của tâm, vô biên thiện pháp ở pháp giới, có thể khiến tâm niệm chuyển động hoàn toàn, biến đổi ác pháp thành thiện pháp.  Khi nói thệ quy y biến thứ hai, vô biên thiện pháp hoàn toàn tụ lại trên không, như mây che, khiến thân tâm được thanh lương.  Khi thệ quy y biến thứ ba, vô biên pháp giới thiện pháp bỗng từ không trung rơi xuống, rót vào thân tâm, tràn đầy trong sinh mạng thể.  Vô biên thiện pháp như vậy, chứa trong thân tâm đó nương theo giới pháp này, tu tập định huệ vô lậu, lâu dần vượt được dòng sinh tử, đến thành Niết-bàn, được đại giải thoát”.   Từ nãy giờ, quý vị đại khái đã hiểu sơ về duyên do, pháp thọ cũng như hành trì về Bát quan trai giới rồi, biết được thọ trì bát giới xác thực có công đức thù thắng thì nên phải thường phát tâm phụng hành bát giới.  Có điều trong xã hội máy móc hiện nay, nhất là ở một đất nước quá văn minh về vật chất này.  Muốn hành đúng pháp bát quan trai, lại giữ được đúng số theo lục trai nhật thì khó có người thọ được.  Vì vậy, hy vọng quý vị khéo sắp xếp công việc, nhín chút thời giờ để tối thiểu mỗi tháng cũng có được một lần.  Kinh Thiện Sinh nói:  “Thọ trì bát giới có thể trừ được các tội nặng ngũ nghịch”.  Trung A Hàm Kinh cũng nói: “Hàng thánh đệ tử đa văn khi trì tám giới này, ghi nhớ mười hiệu của Như-lai, nếu có các điều bất thiện nghĩ ác, đều được trừ diệt”.  Vậy những ai muốn trừ tội tăng phúc nên nhân lấy cơ hội này thọ trì bát trai giới.

Toàn bài chỉ là phần trích yếu cùng tóm lược về pháp Bát Quan Trai Giới, quý vị nào muốn biết rộng, hiểu rõ hơn xin đọc kỹ trong cuốn Bát Quan Trai Thập Giảng của Diễn Bồi pháp sư do thầy Thiện Huệ dịch.  Nguyện những ai đọc được những lời này đều phát tâm làm mới lại mình, thọ trì bát quan giới thanh tịnh, tu tập đúng theo chánh pháp, khiến cho Phật-pháp được trường tồn, cho muôn loài thảy được nhờ ơn tế độ.  Mong lắm thay!

Trước ngưỡng cửa năm Đinh Hợi, kính chúc tất cả quý vị luôn được thân tâm thường lạc, gia đình hưng vượng tăng phúc hoàn duyên hạnh phúc trong ánh hào quang hồng ân của chư Phật.

– Đầu xuân Đinh Hợi, tháng 1 năm 2007 –

Tri Túc

Bình sanh tu được tùy duyên tánh

Trà thô cơm đạm cũng đủ rồi.

[1] Ngũ huân là năm thứ gia vị: hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ.  Tam Yếm: là kiêng không giết thịt ba loại: chim nhạn vì có nghĩa vợ chồng, Chó biết nghĩa chủ tớ, Ô-ngư (cá đen) có lòng trung kính.