Bình thường tâm thị đạo là câu nói rất nổi tiếng ở trong chuyện nhà thiền. Đó là tiếng sư tử gầm của ngài Nam Tuyền, trong mẫu đối thoại khai thị cho ngài Triệu Châu. Lời này chỉ ra “cái thấy” của chân tâm bổn tánh, chứ chẳng phải chỉ riêng cho cái đạo gì khác biệt, ngay nơi đó mà nhận biết, ngay nơi đó liền tỏ ngộ. Thể hội được rồi thì gọi là nhận ra được chân tánh, Phật tánh, chân như, mặt thật xưa nay, hay gì gì cũng được. Còn như ngay nơi đó mà để luống qua, rồi vận tâm suy nghĩ lung tung thì dù gọi đó là Phật, là chân tánh hay Niết-bàn, hay gì gì đi nữa thì cũng đều chẳng phải. Nên Lão tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”, chính là đây vậy. Cái đạo mà còn có thể nói được thì chẳng còn là cái đạo bình thường nữa. Phải biết, đạt tới chỗ này rồi thì “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, chỉ như người uống nước nóng lạnh tự biết.
Theo tiểu thừa kinh giáo nói đến 37 phẩm trợ đạo, đó chính là đạo. Nhận biết rồi thì cái đạo đó cũng chính là tâm bình thường kia, và tâm bình thường kia cũng chính là 37 phẩm trợ đạo pháp đó vậy. Khi nhận ra được chân tâm bổn tánh kia rồi thì tất cả đều có thể nói là đạo, ngay khi ấy chính là đạo. Còn nếu không nhận ra được, ngộ ra được thì 37 phẩm kia cũng không phải là đạo nữa. Dù cho bạn có đem Phật pháp ra nói một cách thao thao bất tuyệt như suối tuôn thác đổ cũng chẳng ăn nhằm gì đến cái đạo này. Vì sao, cổ đức nói: “Vọng văn sanh nghĩa tam thế Phật oan”, nghĩa là bạn dùng tâm hư vọng để phân biệt, giản trạch, tư duy cho nên chư Phật ba đời phải chịu hàm oan uổng. Trong Tín Tâm Minh của Nhị tổ thiền tông, Huệ Khả đại sư nói: “Chí đạo vô nan duy hiềm giản trạch” chính là nghĩa này vậy. Cái đạo tột cùng đó chẳng khó, nếu khéo nhận biết thì ngay đó liền được, duy hiềm vì dùng vọng thức phân biệt chấp trước, nên biến cái đạo bình thường kia trở thành lục đạo, tứ thánh, bách giới thiên như, chẳng phải là chơn đạo. Bình thường tâm thị đạo là câu nói rất nổi tiếng ở trong chuyện nhà thiền. Đó là tiếng sư tử gầm của ngài Nam Tuyền, trong mẫu đối thoại khai thị cho ngài Triệu Châu. Lời này chỉ ra “cái thấy” của chân tâm bổn tánh, chứ chẳng phải chỉ riêng cho cái đạo gì khác biệt, ngay nơi đó mà nhận biết, ngay nơi đó liền tỏ ngộ. Thể hội được rồi thì gọi là nhận ra được chân tánh, Phật tánh, chân như, mặt thật xưa nay, hay gì gì cũng được. Còn như ngay nơi đó mà để luống qua, rồi vận tâm suy nghĩ lung tung thì dù gọi đó là Phật, là chân tánh hay Niết-bàn, hay gì gì đi nữa thì cũng đều chẳng phải. Nên Lão tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”, chính là đây vậy. Cái đạo mà còn có thể nói được thì chẳng còn là cái đạo bình thường nữa. Phải biết, đạt tới chỗ này rồi thì “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, chỉ như người uống nước nóng lạnh tự biết.
Nói cách khác, những cái kia cũng là đạo vậy, nhưng đó là thiên đạo, là nhân đạo, là A-tu-la đạo, ngạ quỷ đạo, súc sanh đạo, địa ngục đạo, chứ chẳng phải chơn thật đạo. Sao lại nói như vậy? bởi ngay nơi chân tâm kia không nhận, lại khởi vọng thức phân biệt nên biến thành mười pháp giới. Thí như Phật đạo chính là chơn tâm bình đẳng, từ bi nhất thiết. Nếu hay gìn được tâm như vậy thì đúng là chúng ta đi trên con đường Phật đạo. Nếu chúng ta thường gìn tâm theo sáu lục độ thì đó là Bồ-tát đạo. Thiên đạo là thập thiện tứ vô lượng tâm. Nhân đạo là con đường của ngũ giới thập thiện, nếu giảng theo nho gia là đầy đủ luân thường bát đức. Còn nếu là tâm sân hận, tật đố, ganh tỵ không nguôi thì đó là địa ngục đạo. Súc sanh đạo là si mê, ngang ngược, chẳng biết phép tắc, chẳng phân tôn ti trật tự, ngang tàng làm bướng, buông thả theo phiền não của mình, nên kết quả sẽ đi vào súc sanh đạo. Ngạ quỷ đạo chính là lòng tham lam không biết chán, không bao giờ biết đủ. Những thứ lược kể ở trên đều là đạo của sanh tử luân hồi, chứ chẳng phải là chơn thật đạo. Vậy thế nào là chơn thật đạo? Thử nghe câu chuyện đáp thoại thiền về chữ đạo của ngài Tào Sơn. Có người đến hỏi sư rằng:
- Thế nào là đạo?
Ngài Tào Sơn bảo:
- Nói đạo kia chẳng khó, nếu như ta vừa mở miệng liền ngay đó nhận biết thì hãy còn chút gần gũi. Còn đợi đến ta nói xong thành lời, rồi ở đó mà suy nghĩ để hiểu lấy thì chỉ là oan uổng tạo nghiệp. Cho nên thà rằng ta chẳng nói còn hơn.
Trong các câu chuyện thiền sao thấy các ngài ngộ dễ quá. Nói qua nói lại chỉ vài câu là ngộ ngay. Vậy cái mà các ngài ngộ đó là ngộ cái gì. Thật ra những câu chuyện thiền kia được kể lại chỉ là vắn tắt lược thuật nhân duyên ngay lúc ngộ đạo của các ngài mà thôi, còn công phu tu tập và việc hành đạo của các ngài trước đó và sau đó thường thường không thấy nói đến, điều này chúng ta không thể không biết. Nếu những ai có duyên theo tu học với thiền tông thì nên xem cuốn Vô Môn Quan để thấy được việc hành trì khó nhọc của các ngài, quên mình vì đạo, thật chẳng phải chuyện đùa. Cần phải nổ lực tu hành gắng gỏi mới được, thật dụng công mới đạt được thật quả. Chẳng phải chỉ vận dụng ở nơi ba tấc lưỡi để biện luận, càng không thể dùng đầu óc suy nghĩ để đối đáp mà đạt được. Bởi cái anh suy nghĩ mà được đó, dù nói được rất hay, giảng được thông suốt, nhưng đối với việc kia vẫn tuyệt như vô phần. Cho đến làm chủ được việc sanh tử cũng không dính dáng. Thật sự đạt đạo thì hết thảy đều được, động tịnh nói nín đều phải. Khi đối duyên hiển bày các phương tiện thiện xảo chỉ là ứng cơ thuyết pháp mà thôi. Còn nếu chưa thật đạt được thì tất cả chỉ là vọng dối, cũng chỉ là sự suy lường phân biệt của vỏ não, dù là đánh hét, hay im lặng cũng đều chẳng phải.
Trong thiền sử Thiền Sư Trung Hoa có chuyện kể về ngài Hương Nghiêm, làu thông kinh điển, hỏi một đáp mười, nhưng vẫn chưa phải là bậc sáng mắt. Cho nên một hôm bị Tổ Quy Sơn hỏi:
- Ta nghe ngươi ở chỗ Tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là ngươi thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem?
Ngài bị một câu hỏi này mờ mịt không làm sao đáp được. Bèn trở về liêu phòng, lục tung tất cả kinh sách vở đã học qua để giải quyết vấn đề này nhưng tìm một câu giải đáp trọn không thể có. Bởi câu hỏi này nằm ngoài thường thức, ngoài sự hiểu biết của ngôn ngữ văn tự, ngoài cái thấy nghe của kiến văn giác tri, cho nên dù ngài đã cố vận dụng tất cả những thứ kinh nghiệm hiểu biết đều không đạt đến được. Ngài liền than rằng:
- Bánh vẽ chẳng thể làm no được bụng đói?
Ngài bèn đến cầu xin Tổ Qui Sơn nói phá. Tổ Qui Sơn bảo:
- Nếu ta nói cho ngươi, về sau ngươi sẽ chửi ta. Ta nói là việc của ta, đâu có can hệ gì đến ngươi?
Vì vậy ngài vô cùng buồn khổ, bèn trở về đem những sách vở đã thu thập được đồng thời đốt hết. Thệ trọn đời chỉ làm một ông tăng bình thường với hai ngày cơm cháo mà thôi, tuyệt không bàn đến giảng kinh thuyết giáo nữa. Ngài khóc và từ giã Tổ Qui Sơn ra đi. Thẳng đến Nam Dương, chỗ di tích Quốc sư Huệ Trung và trụ lại ở đây. Một hôm nhân cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng “cốc”, ngài chợt tỉnh ngộ mà phá lên cười. Ngài trở về tắm gội thắp hương nhắm hướng Tổ Qui Sơn đảnh lễ, ca tụng rằng: “Hòa thượng từ bi ơn như cha mẹ, khi trước nếu vì con nói rồi thì làm gì có ngày nay”. Chỉ đơn giản như thế, trong lúc nghe được âm thanh này ngài liền tỏ ngộ. Chúng ta hằng thuận theo tình thức của vọng tâm để suy nghĩ cho nên không thể nào thể hội được việc đó. Nghe như thế mà ngộ là ngộ cái gì? Là ngộ từ cục đá hay ngộ từ âm thanh phát ra từ cây tre. Chúng ta cũng có thể lấy hàng trăm viên đá để ném vào thân tre, thế sao chúng ta không ngộ? Phải biết ngộ đó là nhận ra được chơn tâm của mình, thể hội được cái tánh nghe thường hằng vốn có chứ không phải gì khác biệt. Cái mà chúng ta vẫn thường sống với nó mà lại bỏ quên mất, một khi ngoảnh lại liền nhận ra. Nhận ra được đó gọi là ngộ. Cái ngộ của ngài cũng phải là do lòng ôm ấp mối nghi này hằng ngày, đăm đăm soi xét quán chiếu cho nên nhân duyên đến liền ngộ. Còn nếu chúng ta không hiểu, không chịu tu hành chỉ ngồi đó chờ ngộ, thì có lẽ phải đợi đến kiếp con lừa cũng không ngộ được. Nhưng ở chỗ này cũng cần nói rõ, cái ngộ đó tuy nói là phải dụng tâm tu hành, nhưng cái thấy này hoàn toàn không phải do tu mà được. Nghĩa rằng cái thấy đó là hằng thấy, chỉ là mình không nhận ra mà thôi, ngày nay mới nhận ra. Nếu là người hay thấy thì thẳng đó liền thấy, không cần phải trải qua thời gian hay công phu tu hành gì cả. Nhưng không thấy được thì cần phải từ trong đó dụng công rồi sẽ thấy, tức là pháp tiệm tu đốn ngộ vậy.
Lại nữa, như câu chuyện nhân duyên ngộ đạo rất nổi tiếng của nhị tổ Huệ Khả khi đối đáp với Đạt-ma tổ sư. Trước khi gặp được tổ sư, ngài phải lặn lội Tung sơn trèo đèo vượt suối gian khổ, đem hết tinh thần cùng tâm huyết của mình chỉ mong đạt được cái đạo vô thượng kia. Thậm chí quỳ giữa trời tuyết giá rét của mùa đông mà không hề khởi tâm lo lắng đến việc sống chết của mình. Người có thể đem thân mạng này coi nhẹ, buông xuống được rồi thì còn có cái gì chẳng làm được. Chúng ta không làm được chỉ vì chẳng chịu buông xuống mà thôi. Có lúc chúng ta chợt nhận ra, chợt tin đó nhưng lại sợ, nghi ngờ nếu buông xuống rồi thì làm sao sống, thế thì cái tâm sanh tử luân hồi lại hiện về, sự lo lắng sợ hãi kia lại sống dậy, cho nên cái chơn tâm kia không thể hiển bày. Thật ra chân tâm kia vẫn sờ sờ ra đấy, chỉ là chẳng khởi được diệu dụng mà thôi. Bởi chúng ta chỉ biết quen dùng vọng tâm mà để quên chân tâm, chứ chẳng phải chơn tâm kia không hiện hữu. Vì vậy khi Tổ Đạt-ma hỏi ngài Huệ Khả rằng:
- Ông đã quỳ trong tuyết lạnh ba ngày ba đêm, thật ra là để cầu việc gì?
Ngài Huệ khả liền nói:
- Tâm con bất an, xin ngài ban cho con pháp an tâm.
Tổ liền bảo:
- Vậy ngươi đem cái tâm bất an đó ra đây là ta an cho.
Ngài liền quay lại tìm kiếm cái tâm bất an đó, nhưng tìm hoài mà không được, bèn thưa với tổ rằng:
- Dạ con tìm tâm không được?
Tổ bèn nói:
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi!
Ngay câu nói này ngài Huệ Khả liền hoát nhiên đại ngộ. Bởi tâm bất an kia chẳng qua chỉ là những vọng thức lăng xăng, chúng ta cho nó là thật và luôn sống chết với nó, khiến cho tâm mình trở nên bất an. Nay duyên may gặp được thiện tri thức chỉ dạy, xoay lại nhìn liền không thấy nữa, ngay đó nhận ra được cái tâm xưa nay vốn an tịnh, chứ Tổ nào có phép an tâm gì. Nhưng thưa thật rằng, câu nói đó nếu chẳng phải xuất ra từ miệng của Tổ thì ngài Huệ Khả có thể an tâm được chăng? Qua câu chuyện như thế này thì tất cả chúng ta đều có thể hiểu, nhưng sao tâm của chúng ta vẫn chưa an? Bởi vì chúng ta không dám tin, không chịu thừa nhận, điển hình như câu chuyện “Tử Hồ bắt ăn trộm” đã nói được rất rõ về việc này. Thông thường, chúng ta cứ nghĩ rằng việc tu hành một khi đạt được đến chỗ ngộ đạo là xong. Nhưng thưa rằng dạ không đâu ạ! Trong thiền tông thường có câu: ngộ rồi mới khởi tu, tức là pháp đốn ngộ tiệm tu. Nói rằng tu ở đây cũng chẳng phải là tu hành gì cả, chỉ là đào luyện cải đổi nghiệp thức lăng xăng, phàm tâm dấy khởi, không còn thuận theo phiền não tập khí xưa nay, chạy theo vọng trần phân biệt chấp trước, sống trở lại với tâm chơn thật của mình mà thôi. Như Kinh Pháp Hoa phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự nói: “Thế Tôn! Chưa từng có vậy! Pháp của Như-lai đầy đủ trọn nên bất khả tư nghì công đức vi diệu, dạy răn chỗ tu hành an ổn rất hay, con từ ngày nay chẳng còn lại tự theo tâm hành của mình, chẳng sinh những lòng ác: kiêu mạn, giận hờn, tà kiến”. Đây chính là tu hành. Vì thế sau khi ngài Huệ Khả ngộ đạo rồi, ngày ngày vẫn kề cận bên Tổ để học đạo, cho đến một hôm, Tổ Đạt-ma hỏi ngài Huệ Khả rằng:
- Ông hiện nay thế nào?
Ngài Huệ Khả mới thưa rằng:
- Da mỏng da dày đều rớt sạch.
Tổ liền bảo:
- Coi chừng rơi vào không?
Ngài huệ khả liền đáp:
- Rõ ràng thường biết, sao rơi vào không được.
Bấy giờ Tổ mới ấn chứng cho: “
- Ông như thế, ta như thế, mười phương chư phật ba đời cũng như thế.
Đến chỗ này mới có thể nói công phu đến viên địa rồi vậy. Do đây có thể biết, cái ngộ này người người đều có thể được. Nhưng phải cần đợi đến thời tiết nhân duyên mới được. Nếu chẳng phải gặp được thời tiết nhân duyên tốt, thì dù ngồi đó suốt ngày bất động cũng không được gì. Đây là chỗ khả quý của thiền tông, đây cũng điều mà ai ai tu thiền đều muốn có được.
Nhưng nay chúng ta không phải tu theo thiền tông, chúng ta tu tịnh độ có ngộ được việc này không? Dạ thưa rằng vẫn được như thường. Vì cái này không hạn cuộc cho người tu theo pháp môn nào cả. Nếu được ngay đó liền chợt nhận ra, tỉnh ngộ. Còn công phu tu hành, pháp môn hành trì mỗi ngày của mình không hề làm chướng ngại. Điển hình như cuộc đối thoại giữa ngài Pháp Đạt và Lục tổ Huệ Năng. Trước khi đến tham vấn Lục tổ, ngài thường trì tụng kinh Pháp Hoa đến ba ngàn bộ mà chưa hiểu nghĩa Kinh, tâm thường có nghi. Xưa nay chỉ biết y văn tụng niệm, chẳng biết tông chỉ. Sau khi nghe Tổ khai thị xong bèn hỏi rằng:
- Nếu như vậy tức là chỉ cần hiểu nghĩa, chẳng cần tụng kinh sao?
Tổ bảo: Kinh có lỗi gì, đâu làm chướng niệm của người! Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn ích do mình mà thôi. Miệng niệm tâm hành tức là chuyển được kinh, miệng niệm tâm chẳng hành tức bị kinh chuyển. Hãy nghe kệ:
Tâm mê Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa
Tụng lâu không rõ lý,
Kinh nghĩa biến thù nhà.
Vô niệm, niệm tức chánh
Hữu niệm, niệm thành tà
Hữu vô đều chẳng kể
Ngồi xe trâu trắng ca.
Bấy giờ ngài Pháp Đạt nghe xong bèn rơi nước mắt, ngay nơi đó được khai ngộ, lãnh hội đường huyền chỉ, và từ đó về sau ngài cũng không ngừng việc trì tụng kinh Pháp Hoa vậy. Thế mới biết, giác ngộ rồi thì chỗ chỗ đều viên dung vô ngại, hành trì tụng kinh, niệm phật, tu thiền, trì chú đều chẳng làm trở ngại tánh kia. Còn nếu tánh kia không nhận được thì dù tu thiền ngồi rách đến mấy chục cái bồ đoàn cũng chẳng nhận ra, chúng ta không thể không biết đạo lý này.
Thiền Tông thường nói: ngộ rồi mới tu, không ngộ lấy gì tu? Thế chúng ta đây chưa thấy được tánh kia thì không tu à? Những người tu thiền kia đâu phải ai ai cũng thấy? Nếu chưa thấy thì cho rằng họ chẳng tu hành gì sao? Thưa rằng, chưa thấy là vọng tu, vọng tu thì rơi vào thứ lớp. Thấy rồi là chơn tu, chơn tu là một bước liền nhảy vào chơn thật địa. Chung quy lại thảy đều là tu hành. Nếu chúng ta tu tịnh độ, khi niệm Phật đạt được tới cảnh giới nhất tâm, vô niệm, thì đó chính là tỏ ngộ được tâm bình thường. Nếu tu theo giáo hạ học tập kinh điển thì phải y chiếu theo lý luận ở trong kinh điển tu hành, được đại khai viên giải cũng chính là chứng được cảnh giới này. Tuy nói vọng tu nhưng nhân nơi vọng tu này mà lọc sạch tập khí phiền não tập khí của mình, tức là pháp nương nơi vọng mà tu chơn. Khi vọng tâm lóng sạch rồi thì ngay đó chính là chơn tâm. Ngài Đạo Ngô chỗ nói: “chỉ hết tâm phàm, chẳng có thánh giải khác”, chính là nghĩa này. Điều kiện đòi hỏi là phải thực sự tu hành, chẳng phải mỗi ngày một hai thời tụng kinh niệm phật, ngồi thiền đó gọi là tu vậy. Tu là ở trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, xuyên suốt 24 giờ, đây gọi là lịch sự luyện tâm, tức là ở ngay trong sự việc mà tu luyện tâm mình. Cho nên giờ giờ là tu hành, xứ xứ là đạo tràng, chỗ chỗ đều là thiền đường để hành thiền vậy. Dù đi giữa chợ vẫn là tu hành, cho đến ngồi đó khởi tâm vọng tưởng vẫn là tu hành. Nếu thật hiểu được nghĩa của tu hành thì không gì chẳng phải đạo. Đạo chính là thế ấy! Kinh Pháp Hoa trong Phẩm Phương Tiện khi nói đến tột tướng chơn thật của các pháp, nghĩa là các pháp: nhân như vậy, duyên như vậy… cho đến rốt ráo là như vậy. Đây chính là nói đến cảnh giới của người đạt được tâm bình thường.
Do đó nếu là người tu theo giáo hạ học tập kinh điển thì y cứ theo tứ đế là tâm bình thường, y cứ theo bát chánh đạo là tâm bình thường, y cứ theo tứ niệm xứ là tâm bình thường, nếu có chút khác đi tức là biến tâm bình thường thành tâm bất bình thường rồi vậy. Còn người tu theo tịnh độ chúng ta thì ngày ngày y chiếu theo ngũ kinh nhất luận kia để hành trì thì đó chính là tâm bình thường. Vâng theo lời Phật dạy, không để xen lẫn một tơ hào vọng niệm nào của mình vào trong đó là tâm bình thường, nếu có chút ý niệm của mình xen tạp vào trong đó thì tâm kia liền biến thành bất bình thường. Người niệm Phật, thì ngay lúc đương niệm Phật kia là tâm bình thường, nếu trong lúc niệm còn khởi lên vọng tưởng, phân biệt chấp trước thì tâm kia cũng là bất bình thường. Do đây có thể biết, tâm bình thường là tâm Phật, là tâm từ bi hết thảy. Tâm bình thường là tâm bình đẳng, tâm vô niệm, vô tu, vô chứng vô đắc, tâm vượt ra ngoài thứ lớp. Nếu lòng ta sanh khởi tâm tật đố, sân hận, tham lam, bỏn xẻn thì tâm kia liền trở thành tâm bất bình thường. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, không cần thay đổi nghề nghiệp, chỉ cần tuân thủ theo bổn phận là được. Nhưng ở trong nghề nghiệp của mình phải biết tận chức làm cho tốt, không được khởi tâm tham lam tật đố. Ở trong đó tu hành tâm thanh tịnh bình đẳng từ bi nhất thiết, thì đó cũng chính là tâm bình thường. Nếu chúng ta ở trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong công việc sử xự, tiếp người đối vật, khởi tâm muốn chiếm tiện nghi của người, làm những điều tổn người lợi mình, thì đó là tâm bất bình thường rồi. Hệ quả nghiệp báo của tâm bất bình thường kia chính là phải chịu sự sanh tử trong luân hồi lục đạo. Tùy theo trình độ cạn sâu dày mỏng của tâm bất bình thường kia mà sự chuyển sai có khác biệt. Nếu tâm bất bình thường kia không quá chấp chặt thì luân chuyển trong tứ thánh, còn tâm bất bình thường đó biến kế sâu nặng, thì hậu quả của nó tất phải đọa lạc trong ba nẻo sáu đường. Vì thế, một khi đạt được tâm bình thường đó rồi thì phải khéo giữ gìn và sống trọn được với nó, thì mới thấy được cái diệu dụng khôn lường của tâm chơn thật này. Phải biết tâm bình thường đó chính là tâm Phật. Chỗ nói: thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật, chính là nghĩa này vậy. Nếu chẳng nhận biết được điều này thì dù là nói nín động tịnh, la hét đánh mắng đều chẳng liên can. Nơi đây chúng tôi xin trích thêm vài mẫu chuyện thiền nữa để quí vị có cái nhìn rõ hơn về tâm bình thường này. Nó vốn là như thế, không phải trải qua duyên lự của tâm ý thức mới có thể hiểu được. Thật ra càng suy nghĩ càng bế tắc, do không suy nghĩ mà ngay đó liền thông. Nếu dùng đến suy nghĩ để nhận biết thì dù hiểu được kia là tâm bình thường cũng chỉ là sự tưởng tượng mà thôi. Đây kể về nhân duyên ngộ đạo của ngài Long Đàm Sùng Tín. Sư trước kia là người làm bánh bao bán ở trước cổng chùa, biết phát tâm cúng dường nên hôm nào cũng đem vài cái bánh bao đến cúng dương cho thiền sư Đạo Ngộ. Như thế trong một thời gian, ngài Đạo Ngộ nghĩ thương tình người này có đạo tâm, nên mỗi khi Sùng Tín đem bánh bao cúng dường cho Ngài, Ngài thường đưa lại một cái và nói rằng:
- Ta cho lại ngươi để về nuôi con cháu.
Sùng Tín ngạc nhiên quá thưa:
- Con cúng cho Thầy mà Thầy cho lại con để làm gì?
Đạo Ngộ nói:
- Ngươi cúng cho ta, ta cho lại ngươi thì có lỗi gì?
Qua sự đối đáp đó làm Sùng Tín băn khoăn: Tại sao mình cúng cho thầy mà thầy cho lại mình? Sau một thời gian suy nghĩ, thâm hiểu được lời này rồi phát tâm xin vào tu. Sau khi ông xuất gia, ngài Đạo Ngộ bảo: “Nay ông làm thị-giả cho ta, ta sẽ chỉ tâm yếu cho ông.” Từ đó Sư bắt đầu làm thị-giả hầu hạ bên thầy, nhưng mãi cho đến ba năm mà không thấy ngài Đạo Ngộ chỉ dạy tâm yếu gì cả. Cho nên một hôm thắc mắc quá, Sư ẩn nhẫn không nổi mới đứng ra thưa thỉnh ý ngài Đạo ngộ:
- Từ ngày con vào đây đến nay, chưa được Thầy chỉ dạy cho tâm yếu cho con.
Ngài Đạo Ngộ bảo:
- Từ ngày ngươi vào đây, ta lúc nào mà không chỉ dạy cho ngươi tâm yếu!
Sư trong lòng khởi nghi bèn hỏi:
- Thầy chỉ dạy ở chỗ nào?
Ngài Đạo Ngộ bảo:
- Ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm đến, ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?”
Sùng Tín cúi đầu im lặng suy nghĩ, tại sao việc đó là tâm yếu? Sư vừa suy nghĩ được giây lâu thì ngài Đạo Ngộ liền bảo:
- Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai.
Qua câu nói đó, Sư chợt tỉnh ngộ, liền hỏi thêm:
- Làm sao giữ gìn?
Ngài Đạo Ngộ bảo:
- Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm chẳng có Thánh giải khác.
Qua câu chuyện này đã làm nổi bật được cái tâm bình thường kia chính ở ngay câu nói: “thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai”. Vừa khởi nghĩ tức là đã làm méo mó chơn tâm rồi, khiến cho cái tâm vốn đang bình thường kia biến thành không còn bình thường nữa. Nhưng đây cũng chính là cái chỗ lắc léo, khó thông qua nhất. Khởi nghĩ thì sai, nhưng không khởi nghĩ thì làm sao mà hiểu (?) Lại bảo, phải ngay nơi chỗ không khởi nghĩ đó mới hay thấy được. Đây cũng chính như trong Kinh Kim Cang chỗ nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm vậy”. Đã không có chỗ trụ trước làm sao sanh tâm (?) Nhưng đúng thật là phải ở nơi chỗ không trụ trước kia mà sanh tâm. Ở đây, cái rõ ràng hơn nữa là ngài Đạo Ngộ còn dạy cho phép tu hành sau khi nhận được cái tâm bình thường kia. Chỉ cần loại trừ hết tâm phàm tục kia, tức là những tâm vọng chấp, tham trước, si mê buồn giận, hằng luôn sanh khởi trong tâm phàm phu chúng ta. Một khi trừ sạch những tâm thức này rồi thì đạt được tâm bình thường, lúc bấy giờ chẳng còn khởi thêm là thánh hay phàm gì khác nữa. Người nhận ra được tâm bình thường này rồi thì mỗi ngày chỉ làm mỗi một việc đó là tùy duyên đối việc mà buông xả, mặc cho chơn tánh thong dong tự tại. Chúng ta mặc dù chưa trực nhận được tâm bình thường, tuy chưa có khai ngộ nhưng nếu biết y theo phương thức này mà tu hành thì chẳng bao lâu cũng sẽ đạt đến tâm bình thường. Phàm việc gì cũng phải nhìn thấu, buông xuống, chớ để sanh khởi bao nhiêu thứ tâm phiền não, làm bận rộn cho cõi lòng. Ở đây chỉ luận việc mình chẳng luận việc người, nếu cứ đăm đăm nhìn vào lỗi người thì chỉ là tự mình làm khổ cho mình chứ chẳng phải ai khác. Tu đạo mà không nhận chân được sự thật chỉ là tu cầu phước báo nhân thiên mà thôi. Thí như trong bài Vô Tướng Tụng của Lục tổ nói:
Người mê tu phước chẳng tu đạo
Nói rằng phước ấy chính là đạo
Bố thí cúng dường phước vô biên
Trong tâm ba ác vẫn còn tạo…
Phước thiện dù tạo được bao nhiêu đi nữa thì cũng không trừ hết những tội kia, cho nên Lục Tổ bảo người học đạo tu hành phải luôn hướng vào nơi chân tánh quán chiếu, đốn ngộ chân tâm, tà tâm đoạn dứt, phẩm hạnh chánh chơn thì mới tiêu hết tội. Bằng không thì mọi việc chúng ta làm đó, chỉ là tu thiện làm phước mà thôi. Hiểu và hành được như đây mới gọi là người biết tu hành, là người biết quay về sống với tâm bình thường đó. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày phải thường quán chiếu nơi tự tánh, đối người tiếp vật, xử sự đều chớ khởi tâm chớ động niệm, luôn giữ mình ở nơi tâm bình thường này. Phàm ra làm việc chớ để rơi vào tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, ngũ dục lục trần, không dính mắc nơi 16 chữ này thì tự nhiên được tự do tự tại, an lành giải thoát. Chúng ta tu hành muốn vượt thoát ba cõi sáu đường thì phải khéo tu tịnh nghiệp, chẳng để rơi vào ác nghiệp cùng thiện nghiệp. Ác nghiệp đương nhiên phải tránh, vì nó sẽ làm ta khổ lụy vô cùng, thiện nghiệp cũng nên lìa vì nó cũng sẽ làm chướng duyên trên đường tu đạo của chúng ta, bởi tạo tác thiện nghiệp mà không khéo hay lìa xả sẽ khiến lòng tham tăng trưởng, tất chướng ngại Bồ-đề. Vì vậy người tu đạo giải thoát phải khéo tu tịnh nghiệp, tức lìa cả hai bên, thời thời khắc khắc đều tùy duyên buông xả, thường sống được ở nơi tâm bình thường này.
Và cuối cùng để đúc kết lại bài viết này, chúng ta sẽ đi thẳng vào câu chuyện thiền: “Tâm Bình Thường Là Đạo”. Đây là giai thoại thiền nói về nhân duyên ngộ đạo của ngài Triệu Châu khi đến hỏi đạo với ngài Nam Tuyền. Sư hỏi:
- Thế nào là đạo?
Ngài Nam Tuyền đáp:
- Tâm bình thường là đạo.
Sư lại hỏi:
- Lại có thể nhằm tiến đến chăng?
Nếu nói tâm bình thường là đạo, vậy thì mình có thể nhằm tiến tới để được cái tâm bình thường đó chăng? Ngài Nam Tuyền trả lời:
- Nghĩ nhằm tiến đến là trái.
Vừa nghĩ tiến đến tức là trái với đạo rồi. Sư bèn hỏi thêm:
- Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?
Theo quan niệm của ngài Triệu Châu là muốn biết được đạo thì phải do suy nghĩ mới biết, nay không do suy nghĩ tiến đến thì làm sao biết đó là đạo.
Ngài Nam Tuyền liền đáp:
- Đạo chẳng thuộc biết, chẳng biết; biết là vọng giác, không biết là vô ký, nếu thật đạt đạo thì chẳng nghịch chẳng nghi, ví như hư không thênh thang rỗng rang, đâu thể dối nói phải quấy.
Ngay đó ngài Triệu Châu liền được đại ngộ. Chuyện đã kể xong? Quý vị ngộ chưa? Chưa ngộ thì hãy lắng nghe tiếng hét của Lâm Tế:
- A….ah!
cuối thu Tân Mão, tháng 11 năm 2011