02 Anan Vấn Phật – Kinh Cát Hung Hoạ Phước

Chương Hai

KINH CÁT HUNG HỌA PHƯỚC

– Hậu Hán sa-môn An Thế Cao dịch –

Ngài A-nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, có người phụng sự Phật-pháp được phú quý mãn nguyện như ý. Lại có người phụng sự Phật pháp bị suy hao chẳng được sở cầu như ý. Tại làm sao lại chẳng đồng nhau? Nguyện đức Thiên Trung Thiên khắp vì chúng con giảng nói.

I – PHỤNG SỰ PHẬT PHÁP ĐẮC ĐƯỢC QUẢ BÁO

Phật bảo A-nan: những người phụng sự Phật pháp, theo minh sư thọ giới, tin chuyênchẳng phạm, tinh tấn phụng hành không đánh mất chỗ thọ. Ảnh tượng trang nghiêm, sớm tối lễ bái, thường luôn cung kính nhang đèn, bố thí an ổn. Chẳng làm trái nghịch những điều Phật cấm, trai giới không nhàm khiến cho tâm luôn được vui vẻ. Thường được các hàng trời người, thiện thần ủng hộ. Chỗ mong cầu được như sở nguyện, trăm sự thêm nhiều vì các hàng trời, rồng, quỷ thần, mọi người đều cung kính, về sau chứng được đạo quả. Đó chính là kẻ thiện nam, người thiện nữ đệ tử Phật chân chánh. Còn những người phụng sự Phật pháp không gặp thầy lành, chẳng thấy được kinh điển. Thì dù có thọ giới rồi cũng chỉ là mang danh thọ giới. Vì mê lầm chẳng chịu kính tin, nên chỗ hành trì sai quấy, trái phạm giới luật. Niềm tin Tam-bảo chợt có chợt không, khiến cho tâm ý thường hay do dự. Lại đối với kinh tượng không có lòng cung kính, đã không thắp đèn đốt nhang lễ lạy, hằng hoài hồ nghi, sân hận mắng nhiếc, chê trách Thánh hiền. Lại không thực hành sáu ngày trai giới, vui thích giết hại. Không lòng cung kính tôn trọng Phật kinh, đem để vào rương áo quần chẳng sạch, hoặc để trên giường ô uế của vợ con, hoặc máng lên vách. Không có kệ thờ ngăn nắp kinh điển, xem thường kinh giáo, coi kinh giáo chẳng khác gì sáchở thế gian. Nếu lúc sanh bệnh liền nghi ngờ chẳng tin. Bèn gọi vu đồng đến nhà cúng tế, bốc quẻ coi xăm, tấu sớ giải trừ, phụng cúng tà thần khiến cho trời thần xa lánh, không đượcthiện thần ủng hộ. Yêu ma đến nhà, ác quỷ đóng đồn ngoài cửa nên khiến suy hao, chỗ cầu chẳng được như ý. Hoặc do nghiệp xưa gây tạo, tuy được chuyển sanh làm người nhưng hiện đời phải chịu nhiều tội khổ, không phải đệ tử của Phật vậy.

Khi mạng vừa dứt liền sa vào khổ thú bị dụng hình tra khảo, do vì tội nghiệp nên hiện đời bị suy hao, về sau gặp nhiều tai ương. Sau khi chết phải đọa vào đường ác, thay đổi chuyển dời chịu nhiều điều khổ sở nói không thể hết. Đều do tích chứa điều ác chẳng chịu làm lành.Người ngu mù quáng, không chịu nghĩ suy bởi do nhân duyên nghiệp xưa đã tạo, vì vậy nênsự báo ứng căn bản từ đấy mà ra. Lại bảo rằng phụng sự Phật pháp đến nỗi phải bị suy hao.Không những đời trước tu hành chẳng tạo được công đức phước phần, đời nay chỉ biết than trời oán đất, chê trách thánh hiền, lỗi do mạng trời. Đây đều do người đời mê muội không  hiểu mà ra vậy. Người không thông hiểu nên thường lòng nghi ngờ bất định. Vì tâm không kiên định nên niềm tin lúc tiến lúc thoái đánh mất đạo lý, phụ rẫy Phật ân mà không biết quay đầu phản tỉnh. Để cho chỗ thấy sai quấy trói buộc ở trong ba đường ác, khiến tự mình gây nên hoạ phước. Phải biết tội lỗi là do tâm thức duyên sanh, gieo hạt thì nảy mầm bám thành gốc rễ. Bởi vì cớ đây nên khi khởi tâm không thể không thận trọng. Mười điều ác tức là oan

gia, mà mười điều thiện ấy là bạn tốt. Thân tâm an ổn được đắc đạo là đều do tâm lành này mà phát sanh. Thiện là áo giáp sắt lớn không sợ đao binh. Thiện là con thuyền lớn có thể vượt qua sông biển. Thường hay gìn giữ điều thiện thì trong nhà được an vui, phước báo tự nhiên. Từ trong nhân lành thì được quả lành chứ chẳng phải thần thánh ban cho vậy. Ngày nay nếu còn chẳng chịu tin thì về sau chuyển thân ắt sẽ chịu nhiều khổ não.

Phật bảo: nầy A-nan! Thiện ác đeo đuổi con người như bóng theo hình không thể xa lìa. Cho nên những sự tội phước cũng lại như vậy, chớ có sanh lòng hồ nghi để rồi tự mình phải chịu đọa vào ác đạo. Vấn đề tội phước thật rất rõ ràng cần phải tin chắc chớ nên mê lầm Được vậy thì dù ở đâu cũng thường an lạc. Đức Phật luôn nói lời thành thật chớ chẳng bao giờ đem điều khi dối cho người. Phật lại bảo A-nan: Phật không nói hai lời, gặp được Phật ra đời là khó, được gần gũi và nghe kinh pháp lại càng khó hơn. Ông đời trước nhờ có gieo trồng phước lành nên nay được làm thị giả của Phật. Phải luôn nghĩ đến cách báo ân Phật mà rao bày giáo pháp. Thị hiện giữa nhân gian làm ruộng phước cho dân chúng, làm cho những kẻ kính tin Tam-bảo có chỗ gieo trồng, khiến cho đời nay và đời sau không còn sanh lòng lo lắng. Đức A-nan tin chịu vâng làm rộng truyền theo lời Phật dạy.

II – TỘI BÁO CỦA NGHIỆP SÁT SANH

Ngài A-nan lại bạch cùng đức Phật rằng: nếu có người chẳng tự tay mình giết hại chúng sanh thì kẻ ấy không bị tội báo chăng?

Phật bảo: nầy A-nan! Sai bảo người khác sát sanh tội ấy còn nặng hơn tự tay mình sát hại. Bởi vì cớ sao? hoặc do vì kẻ ấy là hạng nô tỳ, hoặc hèn hạ ngu si không biết tội phước, hoặc vì bị vua quan bức bách không thể làm chủ tự mình. Tuy cũng phải tội nhưng sự ý bất đồng, nặng nhẹ có sai khác. Sai bảo người khác sát sanh tức biết mà cố phạm, thường ôm long ngu ác, vui thích sát sanh, không có tâm từ bi. Khi dối Tam-bảo, tự mình đánh mất tánh đức lương thiện, thường nghĩ cách phương hại đoạt mạng chúng sanh, nên tội ấy lớn vô cùng. Oan gia trái chủ tương báo lẫn nhau, đời đời phải chịu tai ương không biết bao giờ mới chấm dứt. Hiện đời chẳng được an ổn phải chịu nhiều tai hung. Chết rồi liền sa vào địa ngục đánh mất thân người, đến khi được ra khỏi địa ngục lại phải đọa làm súc sanh bị người chém giết; chịu khổ trong tam-đồ, bát-nạn cho đến ức vạn kiếp. Đem thịt da cung cấp cho người không biết bao giờ mới có ngày trả hết. Làm thân súc sanh phải chịu điều khốn khổ, ăn cỏ ven đường uống nước hồ ao. Đời nay phải chịu làm thân súc sanh đều do đời trước lúc được làm người, bạo ngược vô đạo, ôm lòng tàn ác sát hại chúng sanh, bởi vì không tin nên mới thành ra như vậy. Đời đời nhiều kẻ oán đối, lại còn phải trả đền nợ trước. Tinh thần tuy giống nhau mà đành phải chịu mang lông đội sừng do bởi kết tội sâu nặng mà ra vậy.

III – DUYÊN PHẬN THẦY TRÒ

Ngài A-nan lại bạch cùng đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, người thế gian và hàng đệ tử, có ác ý hướng về bậc thầy cùng người đạo đức, tội ấy ra làm sao?

Phật bảo: nầy A-nan! phàm làm người thì phải nên yêu thích người lành, không nên có long ganh ghét. Người có ác ý, hướng về người đạo đức hay bậc thầy lành thì cũng như ác ý hướng Phật chẳng khác. Thà rằng lấy cung nỏ ngàn cân tự bắn vào thân mình, chớ chẳng nên ác ý hướng về các bậc ấy. Phật dạy: nầy A-nan! tự bắn vào thân mình có đau đớn chăng?

Ngài A-nan liền bạch Phật rằng: bạch đức Thế Tôn! thật là đau lắm, thật là đau lắm.

Phật bảo A-nan rằng: người ôm lòng ác ý hướng về người đạo đức, bậc thiện sư phải chịu sự thống khổ cũng đồng như dùng cung nỏ tự bắn vào thân thể mình vậy. Cho nên phàm là người đệ tử, không thể khinh mạn bậc thầy cùng có ác ý hướng về người đạo đức. Phải nên chiêm ngưỡng các bậc ấy giống như chiêm ngưỡng Phật, không thể khinh mạn ganh ghét. Khi thấy được việc tốt lành liền sanh hoan hỷ. Người có giới đức thường cảm động được các bậc cõi trời, thiên, long, quỷ thần, chẳng ai là không tôn kính. Thà rằng đem thân quăng vào lò lửa, dùng kiếm bén cắt đứt thân mình, chớ không nên ganh ghét người lành, bởi tội ấy quyết định chẳng nhỏ. Cần phải nên thận trọng, thận trọng.

Ngài A-nan lại bạch Phật rằng: Làm bậc thầy có thể la mắng áp bức đệ tử, chẳng kể gì là đạo lý. Lại đem lỗi nhỏ tạo thành tội lớn, có thể không tội chăng? Đức Phật dạy rằng: Không thể như thế! Không thể như thế! Nầy A-nan! Đạo nghĩa thầy trò là ân nghĩa tự nhiên. Thường luôn chăm sóc hỏi han, coi người cũng như chính bản thân mình. Trách phạt là để giảng bày lý lẽ, dạy bảo cốt lấy điều đạo nghĩa. Cái mình không thích thì chớ đem cho người. Phải tôn trọng lễ giáo và hành trì theo giới luật, chẳng khiến cho người sanh lòng oán trách.

Phàm làm người đệ tử cũng lại như vậy, phải biết hai chữ ân nghĩa chân thành. Làm bậc thầy phải có tư cách bậc thầy, làm đệ tử cho ra người đệ tử. Không được hủy báng, ôm long sân hận chán ghét lẫn nhau chí đến oán thù, lại đem việc nhỏ xé làm ra lớn, để rồi chỉ là tự mình thiêu đốt bản thân. Làm người đệ tử phải biết hiếu thuận thầy lành, cẩn thận chớ nên có điều ác ý hướng về bậc thầy. Ác ý hướng về bậc thầy cũng như ác ý hướng Phật, hướngPháp, hướng tỳ-kheo Tăng, hướng về cha mẹ chẳng khác; bởi việc ấy là việc mà trời chẳng thể che, đất chẳng thể chở vậy.

Quán sát thế gian trong thời mạt pháp về sau, những người có nhiều ác hạnh, bất trung, bất hiếu, không có lòng nhân nghĩa, chẳng biết thuận theo nhân đạo. Họ chính là ma quái ở thế gian giả dạng làm tỳ-kheo ở trong bốn chúng, chỉ nhớ nghĩ việc sai quấy của người, không tự ngăn dứt lỗi mình. Đố kỵ bậc Thánh người hiền, lại còn tìm cách ngăn trở phá hoại. Chẳng biết làm lành, hung hăng ganh ghét kẻ hiền thiện. Đã không có khả năng hoằng pháp lợi sanh lại còn hủy hoại người khác. Đoạn tuyệt lý đạo chẳng chịu tu hành. Đắm mê ngũ dục, ham thích lo việc thế tục, tham cầu lợi dưỡng sự nghiệp ở đời. Tích lũy tài vật đánh mất chính mình, chất chứa của cải, bại hoại đạo đức. Chết rồi nhất định đọa vào ác thú, chịu nhiều khổ sở trong các loài ngạ quỷ, súc sanh. Nếu tự mình đã chẳng phải là hạng người như đây thì đối với thế gian còn mong cầu những điều chi nữa. Nên nhớ nghĩ báo đáp ân Phật, cần phải trì kinh giữ giới, giữ gìn mối đạo. Đạo không thể không học, kinh không thể không tụng, việc lành không thể không làm. Thường hay làm lành, ban rãi ân đức, tế độ thần thức thoát khổ, siêu vượt sanh tử. Thấy thánh hiền chớ khinh mạn, thấy việc lành chớ hủy báng. Chẳng đem việc quấy nhỏ khiến thành tội lớn. Làm điều phi pháp, đánh mất đạo lý, tội ấy lớn vô cùng. Tội phước có chứng thực rõ ràng, há chẳng phải nên cẩn thận lắm ư!.

IV – NGHI RẰNG HÀNH PHÁP XUNG ĐỘT

Ngài A-nan lại bạch đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, đối với hàng đệ tử tại gia trong thời mạt pháp về sau, do nhân duyên tương sanh phải lo đời sống gia đình, làm trói buộc khổ lụy thân tâm thì phải làm sao? bạch đức Thiên Trung Thiên!

Phật dạy: nầy A-nan! Đã thọ nhận giới cấm của Phật kính tin phụng hành, có lòng hiếu

thuận biết cẩn thận lo sợ. Đối với ngôi Tam-bảo phải biết quay về nương tựa, nuôi dưỡng cha mẹ hết lòng, trong ngoài đều làm được tốt, giữ thân khẩu ý cho được tương ưng. Vì vậy cho nên chỉ có thể làm thế gian sự mà không thể tác thế gian ý.

Ngài A-nan lại bạch cùng đức Phật rằng: bạch đức Thiên Trung Thiên! Thế nào là làm thế gian sự và thế nào là tác thế gian ý?

Phật bảo: nầy A-nan! làm đệ tử Phật thì vẫn có thể buôn bán, khai mở doanh nghiệp.

Nhưng khi ra làm ăn thì phải cân đo đúng mức, không thể khi dối gạt người. Chỗ tạo tác phải giữ lấy đạo nghĩa, chẳng đặng trái nghịch thần minh, xa rời lý tánh tự nhiên. Những việc tống táng ma chay, dời đổi cửa nhà, cưới gả kết hôn thảy đều là thế gian sự. Tác thế gian ý là làm đệ tử Phật thì chẳng được xem bói, lên đồng, phù chú, trù ếm, cúng tế, văn sớ giải trừ, cũng như chẳng được coi chọn ngày lành tháng tốt. Đối những ai chân chánh lãnh thọ năm giới của Phật là người chân thật phước đức vậy. Nếu có làm gì mà trong lòng khởi sanh nghi hoặc thì hướng đến khải bạch Tam Tôn. Đức Phật là bậc huyền thông không gì chẳng biết. Người có giới đức, đạo hạnh cao thâm thì các hàng trời, rồng, quỷ thần, không ai chẳng kính phục. Bởi do tôn quý giới nên sanh lòng kính trọng, cho nên không ở nơi đâu là chẳng được kiết tường, thì còn lo sợ kiêng cử những sự chẳng lành gì nữa!

Đạo lớn thời hay chở che, bao trùm rộng khắp đất trời. Người không thông hiểu tự làmquái ngại. Các việc thiện ác đều do tâm người tạo tác, phước họa cũng do người làm như bóng theo hình, âm vang theo tiếng. Đức hạnh của người trì giới thường ứng thuận theo tự nhiên, được các hàng trời người tin theo ủng hộ. Cho nên có nguyện những chi cũng thường không trái ý. Đức hạnh ngất trời, công huân rộng khắp, thì cảm động đến mười phương Thánh chúng đều hết lòng khen ngợi không thể nói hết. Bậc trí sĩ thông đạt mệnh trời nên cả đời không làm điều tà vạy. Khéo y theo lời Phật dạy mà có thể độ thoát thế gian.

V – HẠNH PHÚC TỰ MÌNH, THƯƠNG XÓT THẾ GIAN

Ngài A-nan nghe lời Phật giảng vừa xong bèn chấn chỉnh ca-sa, đem đầu mặt gieo xuống đất mà bạch cùng đức Phật rằng: “Duy nhiên Thế Tôn, con và chúng hội nơi đây thật có phước duyên, đã được gặp Như Lai, lại được đức Như-lai ban rải ân đức từ bi cùng khắp, vì thương xót hết thảy mà làm ruộng phước khiến cho chúng sanh giải thoát khổ nạn. Đức Phật là nói lời chân thật mà hạng kính tin lại quá hiếm hoi, là do thế gian nhiều điều ác trược, khiến cho chúng sanh tự mình ngăn ngại. Thật đau đớn thay! Nếu có kẻ tin theo thì chỉ có được hoặc một hoặc hai. Tại làm sao ác trược thế gian có thể mê lầm đến vậy. Sau khi đức Phật diệt độ, kinh pháp tuy còn ở đời nhưng chẳng còn người kính tin, để rồi dần dần diệt mất. Than ôi! đau đớn thay! bấy giờ biết nương tựa vào đâu. Duy nguyện Thế Tôn, hãy vì chúng sanh cùng khổ, xin chớ vội nhập vào cõi Niết-bàn.

V – TỤNG KỆ CỦA NGÀI ANAN: BÁO CÁO TÂM ĐẮC

Ngài A-nan nhân đây mà nói bài kệ rằng:

Phật vì hộ ba cõi

Ân rộng khắp đại từ

Xin nguyện vì tất cả

Xin chớ vội Niết-bàn.

Người trực pháp càng ít

Mù mờ chẳng nhận chân

Đớn đau kẻ chẳng biết

Tội sâu đành như vậy.

Phước xưa gặp Phật pháp

Chỉ được một hoặc hai

Kinh pháp dần suy thoái

Biết nương đâu bây giờ.

Ân đức Phật rộng khắp

Do vì tội chúng sanh

Trống pháp rền ba cõi

Vì sao chẳng được nghe.

Thế gian nhiều người ác

Tự mình đọa điên đảo

A dua phỉ báng thánh

Tà mỵ hủy chân chánh.

Chẳng tin đời có Phật

Nói Phật không đạo lớn

Là người, chẳng phải người

Tự làm các gốc tội.

Mệnh chung đọa vô gián

Đao kiếm cắt thân hình

Quỷ tốt giết ăn thịt

Nấu trong vạc dầu sôi.

Dâm dật ôm cột đồng

Lửa lớn thiêu đốt thân.

Phỉ báng bậc thanh cao

Kìm sắt kẹp cắt lưỡi.

Rượu say không lễ tiết

Mê lầm mất nhân đạo

Chết sa vào địa-ngục

Đồng sôi rót vào miệng.

Phải gặp nhiều ách nạn

Khổ đau nói không cùng

Chuyển sanh được làm người

Hạng bần cùng hạ tiện.

Chẳng giết được trường thọ

Không bệnh thường khỏe mạnh.

Không trộm được đại phú

Tiền tài hằng tự mãn.

Chẳng dâm hương thanh tịnh

Thân thể thường thơm tho

Quang minh danh rạng ngời

Làm nên vì vua lớn.

Chí thành chẳng dối trá

Chúng sanh thân phụng thờ.

Chẳng say sau minh mẫn

Bậc trí đức kính tôn

Năm phước siêu pháp giới

Trời người đồng bạn lữ

Lai sanh ức vạn bội

Chân đế thật phân minh.

Mạt thế những người ác

Chẳng tin nhiều hoài nghi

Ngu si không biệt đạo

Tội nặng lún thêm sâu.

Ngăn Thánh hủy chánh giác

Chết rơi địa ngục lớn

Thần thức đọa vào trong

Trên đầu đội vòng sắt.

Cầu chết, chết chẳng được

Phút chốc đã biến hình

Giáo nhọn đâm vào mình

Thân thể hằng cắt nát.

Đời vì sao như vậy

Bỏ Pháp tin quỷ thần

Không lòng từ giết hại

Để cúng tế, sớ, xăm.

Chết đọa từng mười tám

Đày qua ngục hắc-thằng.

Tám nạn thường trói buộc

Khó được lại thân người.

Nếu khi được làm người

Man rợ không nghĩa lý

Ngu đần thiếu các căn

Lệch què ngọng điếc câm.

Hồ đồ không hiểu biết

Ác ác lôi kéo nhau.

Chuyển sanh tam-đồ tụ.

Thọ thân làm cầm thú.

Bị người cắt tiết thân

Lột da bày cả họng

Quy về đền nợ trước

Đem thịt dâng trả người.

Vô đạo đọa ác đạo.

Cầu thoát khó vô cùng

Thân người đã khó đặng

Phật pháp khó được nghe.

Thế Tôn chung bảo hộ

Ba cõi đều nhuần ơn

Mở bày cam-lộ pháp

Khuyến thế gian phụng hành.

Thương thay! đã đắc huệ

Thương xót chúng mê lầm

Khai thông đường giác ngộ

Kẻ trí khổ liền qua.

Người phước hướng lên trên

Thấy tánh học vô sanh

Quay về ruộng phước lớn

Nơi bất diệt gieo trồng.

Không gì hơn ơn Phật

Hộ đời chuyển pháp luân.

Khiến hết thảy chúng sanh

Được nhuần cam-lộ rưới.

Thuyền tuệ đến bờ kia

Đại thiên rền tiếng pháp

Vào cảnh giới không hai

Hoằng dương vô thượng giác.

VI – ĐẠI CHÚNG TIN HIỂU PHỤNG HÀNH

Ngài A-nan tụng kệ như thế rồi, tất cả đại chúng trong pháp hội nghe xong nhất thời tin hiểu, thảy đều phát tâm hành đạo vô thượng Bồ-đề, dõng mãnh mặc áo giáp tinh tấn hướng về đại Niết-bàn. Đem hương thơm giới đức xông khắp thế giới ba ngàn, thuận theo lời Phật dạy đều được độ thoát. Lại vì hết thảy chúng sanh khai mở đại đạo, làm cầu đường đưa đến bến bờ giác ngộ.

Bấy giờ hàng quốc vương, đại thần, nhân dân, trời rồng nghe được kinh này vô cùng hoan hỷ. Ngài A-nan vừa dứt tiếng, cả đại chúng trong lòng vừa lo sợ vừa buồn thương, thảy đồng cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Phật cùng ngài A-nan. Tất cả đều vâng làm theo lời Phật dạy mà lui ra.