THƯỜNG LỄ CỬ YẾU

THƯỜNG LỄ CỬ YẾU

– Lễ Phép Hằng Ngày –

1. Ở NHÀ

  1. Phận làm con phải dậy sớm, áo quần mền gối nên tự mình phải xếp lại gọn gàn, sớm tối nhất định phải biết cần kiệm.
  2. Phận làm con, khi muốn ngồi thì chẳng được ngồi ghế chính giữa, lúc đi chẳng được đi chen ở chính giữa những người lớn.
  3. Phận làm con, lúc đi ra cần chào hỏi, lúc trở về phải trình thưa.
  4. Người lớn trao cho vật gì, cần phải dùng hai tay để tiếp lấy.
  5. Đi chung với người lớn nên đi chậm rãi phía sau, chẳng được dành đi gấp gáp ở trước người lớn.
  6. Khi người lớn đứng mà mình nhỏ thì chẳng được ngồi. Đang ngồi thấy người lớn đến thì phải đứng dậy.
  7. Chẳng được ở trước mặt người lớn đang ngồi mà đi đủng đỉnh qua lại.
  8. Phàm khi đứng thì chẳng được đứng ở ngay giữa cửa, khi bước qua cửa thì chẳng được đạp chân lên ngạch cửa.
  9. Lúc đứng thì chẳng nên đứng thọt một chân, khi ngồi chẳng được ngồi nghiêng ngữa duỗi chân như cái xẩy. Lúc nằm ngủ chẳng nên nằm ngữa hay nằm sấp, mà nên nằm nghiêng hông bên phải, mà nên nằm cong người lại như cây cung vậy.
  10. Ngồi ăn chung bàn chẳng được sắp đặt thức ăn ngon để dành riêng ăn một mình.
  11. Chẳng được bươi móc lựa chọn đồ ăn ngon dỡ.
  12. Trong lúc ăn chẳng nên than thở, chẳng nên răn dạy trách mắng con em ngay ở trên bàn cơm.

 

2. Ở TRƯỜNG

  1. Lúc kéo cờ, hạ cờ cùng xướng ca bài quốc kỳ, hiệu ca, nên đứng nghiêm trang để biểu tỏ sự cung kính.
  2. Lúc thầy cô giáo lên lớp và xuống lớp, cần phải đứng lên để cung đón và tiễn đưa.
  3. Khi hướng về thầy cô giáo có việc muốn thưa hỏi thì cần phải đứng dậy.
  4. Lúc đi đường gặp thầy cô giáo, nên dừng lại bên đường đứng nghiêm trang để bày tỏ sự cung kính.
  5. Lúc nghe giảng, nên ngồi ngay hoặc đứng thẳng, chẳng được ngồi chống cằm, ngoẹo cổ, cong lưng, hay vểnh chân lên.
  6. Lúc kiểm tra thi cử, chẳng được giao đầu kề tai, hoặc dòm trái ngó phải.
  7. Yên phận mà học tập nhưng nên gần gũi với thầy cô giáo. Vui chung với bạn nhưng phải đặt lòng tin nơi đạo.

 

3. XỬ THẾ

  1. Chẳng nên vạch bày chỉ thẳng ra cái yếu kém của người. Chẳng được phô bày cái hay tốt của mình.
  2. Những chuyện ở trong gia đình mình, không thể đem đi nói cho người ngoài biết.
  3. Miệng là cửa của họa phước, phàm có lời muốn nói, cần phải có sự suy gẫm đắn đo trước rồi mới nói.
  4. Khi thấy người thất ý, chớ nên nói những việc đắc ý của mình. Gặp người lớn tuổi, chớ nên nói lời bi ai chết chóc.
  5. Đối với người sơ giao mới quen, không thể thổ lộ cho họ những lời sâu kín. Sau khi tuyệt giao rồi cũng chẳng nên đối kia nói những lời khó nghe.
  6. Chẳng nên làm nhục người, chẳng nên lấy người ra làm trò đùa để mua vui.
  7. Khi đứng trước người tàn tật, càng nên đặc biệt biểu tỏ sự cung kính.
  8. Đối với những người sống bằng sức lao động khổ nhọc như gồng gánh, bán hàng rong, chớ nên lấn ép tiện nghi của họ.
  9. Thi ân cho người thì nên quên bỏ, thọ nhận ân của người cần phải báo đáp. Lỡ đắc tội với người thì nên đến xin hòa giải.  Người lỡ đắc tội với mình thì nên khoan thứ.
  10. Đối với người lành thì nên tự thân đến để gần gũi, phải có lòng kính tin lâu dài.  Đối với hạng người xấu ác thì tự mình cũng nên cung kính nhưng cần phải lánh xa.
  11. Gặp bất cứ chuyện gì cũng đều phải giữ sự trầm tĩnh, đối với những việc tự mình không thể làm được thì chớ nên vọng dối rằng mình có thể.
  12. Đi qua vườn dưa chớ nên ngồi xuống cột giầy, đứng dưới cây mận thì chớ nên đưa tay chỉnh sửa nón mũ.
  13. Phàm sử xự việc gì cũng phải hợp với lý trí, không thể nghiêng nặng cảm tình.
  14. Cái mình không muốn, chớ đem cho người khác.
  15. Phàm cần cầu người khác dạy bảo việc gì, tất cần phải đến bên cửa để thưa hỏi.

 

 4. ĂN CHUNG

  1. Lúc muốn ngồi, cần phải biết quan sát thứ tự lớn nhỏ, chỗ trên trước tất phải nhường cho người lớn.
  2. Vào chỗ ngồi rồi chẳng được vươn vai, dang tay, duỗi chân.
  3. Cần phải đợi chủ nhân nâng ly mời khách trước, bấy giờ khách mới nâng ly nói lời cảm ơn.
  4. Nếu chủ nhân tự mình thân hành xuống bếp nấu nướng, nên hướng chủ nhân lễ tạ rồi mới ăn.
  5. Chủ nhân kính rượu xong rồi, bấy giờ mới chính là lúc nâng ly kính mời lại chủ nhân.
  6. Khi bắt đầu cầm đũa, thì nên mời mọi người cùng cầm muỗng đũa.
  7. Dùng đũa gắp đồ ăn, chỉ nên gắp những thứ ở phía của mình, chẳng được đứng dậy vói tới lựa gắp đồ ăn ở phía của người khác.
  8. Chẳng được dùng đũa muổng nhắm vào chính giữa ngay trên đỉnh của bát đĩa đựng thức ăn mà gắp đồ ăn, hay múc canh.
  9. Đồ đựng thức ăn chung, chẳng được dùng đũa của mình bới xóc trong đó.
  10. Muỗng múc đồ ăn còn đọng lại nước dư, cần nên nghiêng đổ cho sạch hết rồi mới có thể để lại vào trong đồ đựng thức ăn chung.
  11. Món ăn ở trong chén của mình, không thể gắp trả lại để trong bát đựng đồ thức ăn chung.
  12. Đũa muỗng đã dùng gắp thức ăn, không thể đưa cho người khác.
  13. Trong lúc ăn chẳng được chắp lưỡi, lúc nuốt chẳng được nuốt lớn tiếng.
  14. Nên lập ra nguyên tắc, trong lúc ăn chung không nên nói chuyện, như có việc cần phải nói thì nên tránh nói làm văng nước miếng vào trong thức ăn.
  15. Ho hen nên lấy tay che miệng và chuyển mình quay ra đằng sau.
  16. Chẳng được la mắng chó, cũng chẳng được quăng xương cho chó.
  17. Chẳng nên ăn để thừa lại cơm ở trong chén.
  18. Chẳng được hướng trước mặt người khác mà xỉa răng.
  19. Khách ăn chưa xong, làm chủ nhân thì chẳng được đứng dậy trước.
  20. Sau khi ăn xong đứng dậy, là chủ nhân thì nên nhã nhặn mở lời mời lưu lại, khách nói lời từ tạ.
  21. Tiệc xong, chủ nhân nên dâng khăn, mời nước, mời trà.

 

5. RA NGOÀI

  1. Áo quần giầy nón chẳng cầu xinh xắn đẹp đẽ, nhưng cần phải tề chỉnh sạch sẽ dễ coi.
  2. Khi thấy người lớn, cần đến tận nơi chào hỏi lễ phép.
  3. Ở trên cao chẳng được hú gọi, chỉ chỏ, hoặc vẫy ngoắc.
  4. Đi trên đường chẳng được hút thuốc, chẳng được nhai đồ ăn, chẳng nên hát nghêu ngao.
  5. Đang ngồi trên xe, gặp người lớn thì nên xuống xe, thấy người nhỏ cũng nên gật đầu chào hỏi.
  6. Khi trời tối nên về nhà, nhỡ có việc không thể về được thì nên gọi điện thoại hay nhắn tin cho người trong nhà biết.
  7. Ở giữa chốn ngựa xe hỗn tạp đông đúc, không nên vẫy tay chào hỏi hay lễ kính.
  8. Chẳng nên đứng lâu trên đường cùng người nói chuyện.
  9. Chẳng nên đứng ở giữa đường của xe ngựa chạy. Khi qua đường trước phải nhìn trái ngó phải cho rõ ràng.  Không thể cùng với xe cộ tranh giành đường.
  10. Lúc đi, chân bước cần vững vàng ổn định, nên ngay người ngậm miệng, mắt thẳng nhìn về phía trước.
  11. Đi đường nếu gặp người già yếu, hay phụ nữ có con nhỏ nên nhường đường, nhường ghế.
  12. Giữa đường nếu có người đến hỏi thăm đường xá, nên tận tình chỉ bày rõ ràng.  Mình có việc đến người hỏi thăm đường xá, trước khi đi nhớ nói lời cảm tạ.
  13. Riêng một mình thì không thể đi vào cổ miếu, lúc hai người chẳng được cúi đầu nhìn xuống giếng sâu.
  14. Qua cầu trước nên xuống ngựa, qua sông chớ tranh giành ghe thuyền.
  15. Ở trên xe, ghe thuyền, hoặc trên máy bay chẳng được ló đầu ra ngoài hoặc thò tay qua song cửa, càng không được tùy tiện hỷ mũi khạt nhổ.

 

6. THĂM VIẾNG

  1. Trước cần đứng bên ngoài gõ nhẹ lên cửa, chủ nhân cho mời vào mới được vào.
  2. Vào trong phòng nếu thấy có khách khác, chủ nhân vì mình giới thiệu, nên mỗi mỗi thi lễ chào hỏi, lúc chào đi ra cũng lại như thế.
  3. Vào trong phòng, nếu thấy đã có khách khác rồi thì ta chẳng nên ngồi lâu. Nếu có việc cần thì nên mời chủ nhân sang phòng bên một chút rồi mới trình thưa những chuyện mình muốn nói.
  4. Đang ngồi nói chuyện với người mà thấy có khách khác đến viếng thăm, ta nên khéo biết thời mà từ tạ ra về.
  5. Đứng ngồi nên ngay ngắn, chẳng được ngã người cong mình mà tiếp chuyện, cũng chẳng được cười nói một cách ồn ào.
  6. Không được mang tất cả các loại động vật lên nhà lớn, phòng thờ.
  7. Những thư từ văn kiện ở trong phòng của chủ nhân, tự mình chẳng được lấy ra xem.
  8. Khi nói chuyện hỏi đáp qua lại nên nhìn vào khách nói chuyện (chẳng nên nói chuyện mà nhìn nơi khác).
  9. Khi ở thượng đường, nên nói tiếng đủ lớn (để mọi người cùng nghe được).
  10. Khi ra vào, thấy cửa đang mở thì nên để mở, cửa đóng thì cũng nên để đóng.  Có người theo phía sau, nếu là cửa đóng thì chớ nên để họ cùng theo vào.
  11. Khi thấy chủ nhà có vẻ mệt mỏi, ngáp dài, hoặc thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, thì ta phải biết đến lúc nên cáo từ.
  12. Lúc ăn cơm và lúc ngủ chớ nên cố hỏi thăm chuyện với khách.
  13. Yết kiến trưởng quan, bậc tôn trưởng, trước hết nên cúi đầu lễ kính, sau đó mới ngồi xuống tiếp chuyện, lúc ra về cũng lại như vậy.
  14. Khi cùng với trưởng quan, bậc tôn trưởng, hay cùng phụ nữ bắt tay theo lễ nghi, nên chờ kia đưa tay ra trước, sau đó mới kính cẩn cùng họ bắt tay.
  15. Khi viếng thăm những người làm việc theo công nhân viên chức, trước hết nên hỏi cho biết họ mấy giờ phải có lớp, phải vào làm việc, tránh không nên ngồi lâu nói chuyện phiếm, làm trễ nãi thời gian của họ.
  16. Đến nhà người khác thăm viếng, nếu không gặp được khách thì hoặc để lại danh thiếp, hoặc lưu lại lời nhắn, hay viết vài dòng để lại cho họ biết.

 

7. GẶP KHÁCH

  1. Khi gặp khách, trước hết nên chào hỏi lễ kính, còn khách quen thì có thể ngồi xuống hàn huyên tâm sự, nếu là khách mới thì nên hỏi thăm tên họ và nơi chốn.
  2. Nếu gặp khách ở bên ngoài cổng thì nên đi đến tận nơi vì họ mà đóng mở cửa.
  3. Đi đến trước mỗi cửa đều nên nhường cho khách đi trước.
  4. Vào cửa rồi thì phải nên vì khách mà chỉ bảo an trí chỗ ngồi cho họ.
  5. Trong phòng nếu đã có khách lạ khác thì nên vì họ mà giới thiệu. Khi giới thiệu, nên đối trước người lớn giới thiệu người nhỏ trước rồi mời giới thiệu đến người lớn.  Giới thiệu người cấp thấp trước rồi đến giới thiệu bậc tôn trọng, giới thiệu người gần đến người xa, nếu ngang hàng đồng vai vế thì giới thiệu theo thứ tự từ trước ra sau.
  6. Kính dâng trà nước, bánh trái thì nên mời từ người lớn đến người nhỏ, mời khách lạ trước rồi mới đến người quen sau.
  7. Là chủ nhân nên xuống tòa để nâng trà mời khách.
  8. Lúc khách ra về nên đứng lên đưa tiễn để biểu tỏ sự kính trọng. Nếu là khách từ phương xa đến, khi tiễn khách nên đưa ra đến tận đầu thôn, hoặc ra đến ngã ba đường.
  9. Đối với khách từ phương xa thường đến, nên dự bị đồ ăn thức uống, phòng ngủ, chỉ dẫn cho họ nơi ăn chốn ở, cho đến chỗ vệ sinh tắm rửa.
  10. Khách ở xa lúc ra về, nên đưa tiễn đến trạm xe, dịch quán.  Khi đưa tiễn nên đứng trông theo cho đến khi bóng xe xa khuất rồi mới quay về.

 

8. ĐI DU LỊCH

  1. Trước khi đi xa, nên chào từ giả thân hữu, lễ lạy tổ tiên ông bà và từ biệt người thân.
  2. Sau khi ra đi, đến được chỗ địa điểm mình muốn đến rồi thì trước tiên nên nhắn tin về cho người thân biết mình đã đến nơi an toàn. Việc kế tiếp là nên đi thăm hỏi những bậc nhân sĩ có quan hệ.
  3. Trở về nên yết kiến thân hữu, hoặc biếu tặng lễ vật hay thổ sản ở quý địa.
  4. Nếu có thân hữu trước đi xa đến chỗ mình chào từ tạ, thì mình cũng nên đến để đưa tiễn họ. Trước khi họ đi, mình nên tặng lễ vật, hoặc mở tiệc tiễn đưa.
  5. Khách từ phương xa đến thăm viếng, nên đến đáp tạ hoặc bày tiệc tiếp rước, đãi cơm tiếp đón.
  6. Lữ khách đi xa trở về thăm viếng, nên đến thăm hỏi để hồi đáp lại, hoặc bày tiệc tẩy trần.
  7. Khi được người đến tiễn đưa, tiễn đến nơi rồi thì nên mỗi mỗi đối người ngỏ lời cảm tạ.
  8. Người tiếp nhận tiệc đón mừng hay tẩy trần xong, nên trở về chỗ ngồi của mình.
  9. Nhập cảnh nên hỏi thăm điều cấm, nhập quốc hỏi tục lệ, nhập môn hỏi điều húy kỵ.
  10. Đến đất nước khác chẳng được đánh ngựa xe chạy nhanh, vào trong thôn xóm nên xuống ngựa xe.

 

9. ĐỐI CHÚNG

  1. Người khác đang nói chuyện, không được nói chen ngang ngắt lời người khác ở giữa chừng.
  2. Hai người đang nói chuyện, không được đi chen ngang ở giữa.
  3. Chẳng được lớn tiếng nói cười ồn ào làm nhiễu loạn sự thấy nghe của người khác.
  4. Chẳng được ngang, chẳng được ngồi bạnh chân, chẳng được ngồi duỗi thẳng chân ra.
  5. Chẳng được ngồi cách bàn nói chuyện vói sang.
  6. Khi ngồi chẳng được nhấc hai chân ghế sau lên.
  7. Áo mũ, chẳng được treo móc chồng lên áo mũ của người khác.
  8. Chẳng được hướng về phía người khác phun nước, khạt nhỗ.
  9. Chẳng được hướng về phía người khác ợ ngáp, co duỗi, hắt hơi.

 

10. QUÀ LỄ

  1. Quà lễ thường cần có sự qua lại. Có qua mà không có lại, có lại mà không có qua, đều chẳng phải lễ vậy.
  2. Tặng lễ vật cho người chẳng nên gọi người đến để lấy. Đối với người chẳng được đòi hỏi quà theo ý thích của mình.
  3. Tặng phẩm vật cho người, cần phải dùng thái độ khiêm nhã cung kính khi trao tặng.
  4. Tặng phẩm vật cho người, bên ngoài nên dùng bao bì gói lễ vật cho trang nhã, ngoài trừ lễ vật hôn, táng, khánh thọ.
  5. Lúc bình thường tặng lễ vật, trên bàn ngồi đã có khách khác, nên đem tránh ngoài chỗ thấy nghe, nhưng nếu đối với người từ xa đến, hoặc người mới gặp lần đầu thì không cần phải né tránh.
  6. Tiếp nhận quà tặng, ban đầu nên tỏ lòng khiêm tốn nói lời từ tạ rồi sau đó mới thọ nhận, nói lời cảm tạ. Qua vài ngày sau nên đến họ để bái phỏng thăm viếng.
  7. Khi người lớn ban tặng cho đồ vật, không dám được phép chối từ.

 

11. KHÁNH ĐIẾU

  1. Tham gia lễ hội ăn mừng, chẳng được thốt ra những lời đau thương, chết chóc, chẳng nên để gương mặt đăm chiu rầu rĩ, sụt sùi.
  2. Đang trong thời gian giữ lễ cư tang chẳng nên đến tham dự các hội lễ ăn mừng, chỉ nên gửi biếu vật phẩm theo nghi lễ mà thôi.
  3. Đang mặc đồ tang phục trên người chẳng được đi vào chỗ công cộng. Chẳng được dừng lại xem các cuộc lễ mừng của người.
  4. Trước lễ mừng kết hôn có đông quan khách chớ nên thốt lời đùa giỡn gàn rỡ.
  5. Lúc sắp làm lễ mai táng chẳng được cười.
  6. Bên trong nhà đang có quan tài, chẳng được ca hát, hoặc mở các loại nhạc.
  7. Dùng cơm nước tại nhà đang có lễ tang, nếu có uống rượu chẳng thể uống đến đổi sắc mặt.
  8. Những phù hiệu, phục sức được mặc trong tang lễ, sau khi làm lễ xong thì phải tháo bỏ, chẳng được đeo giữ ở trên người mà đi ra ngoài.

 

12. XƯNG HÔ

  1. Người mới gặp lần đầu nên hỏi thăm tên họ. Họ thì nói là quý tánh, tên thì gọi là quý danh. Tự mình xưng danh tánh, họ của mình thì nói tệ tánh chi chi đó, còn tên thì xưng là thảo tự chi chi đó.
  2. Đối với người thân thích, người thế giao, mỗi mỗi nên lấy theo danh phận kia đây để xưng hô. Người bình thường thì xưng là tiên sinh, hay huynh trưởng, tự mình xưng là ngu đệ.  Đối với người có tuổi, bậc tôn trưởng, thì xưng là lão tiên sinh, tự mình xưng là hậu học, hoặc xưng tên của mình.
  3. Phụ thân của người khác gọi là lệnh tôn, mẫu thân thì gọi là lệnh đường. Khi nói chuyện với người, gọi phụ thân của mình là gia nghiêm, mẫu thân của mình thì gọi là gia từ.  Khi gặp phụ thân của bạn thì xưng là lão bá, mẫu thân của bạn thì gọi là bá mẫu.  Còn tự mình xưng là vãng bối (con), hoặc xưng là cháu.
  4. Xưng hô với bậc đáng tuổi của mình thì gọi là lệnh tổ công, còn bà thì gọi là lệnh tổ thái phu nhân. Còn xưng hô với người, gọi ông của mình là gia tổ, bà thì gọi là gia tổ mẫu. Gặp tổ phụ tổ mẫu của người thì xưng thái lão bá, thái bá mẫu, còn tự thân thì có thể xưng bằng tên.
  5. Xưng hô với anh em của bạn mình thì gọi là lệnh huynh, lệnh đệ. Khi nói chuyện với người, xưng gọi anh em của mình thì xưng là gia huynh, xá đệ.  Xưng hô chị em của bạn thì gọi là lệnh tỷ, lệnh muội.  Hướng người giới thiệu chị em của mình thì gọi là gia tỷ, xá muội.  Khi gặp anh em của người thì gọi là kỷ tiên sinh, hoặc kỷ huynh, tự mình xưng là tiểu đệ.  Gặp chị em của người thì gọi là kỷ tỷ, tự mình xưng là tiểu đệ.
  6. Vợ của người thì gọi là lệnh chánh, hoặc tôn phu nhân. Hướng đến người tự giới thiệu vợ mình thì xưng là tiện nội, hoặc chuyết kinh.  Gặp vợ của người thì gọi là tẩu tẩu, tự thân mình thì xưng bằng tên, (còn phận là nữ lưu thì tự xưng là muội).