Pháp Môn Tu Trì – 01

Pháp Môn Tu Trì – 01

Vương Long Thư Cư Sĩ

 

Đức Phật A Di Đà phát ra 48 lời nguyện, trong đó có một nguyện ngài nguyện rằng:  “Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, hết lòng tín nguyện, muốn sanh nước ta, niệm danh hiệu ta cho đến 10 niệm nếu chẳng được sanh, tôi thề chẳng thành Phật”.  Đây là đức Phật đã có nguyện độ sanh, chỉ bảo cho người ở trong 10 niệm ấy, lấy đó làm biểu số để cho tâm có chỗ quay về nương tựa.  Mỗi sớm mai thức dậy chắp tay quay mặt về hướng tây đảnh lễ, niệm 10 tiếng Nam Mô A Di Đà Phật.  Lại đảnh lễ, niệm bài kệ phát nguyện của Đại Từ Bồ-tát một lần như vầy:

“Nguyện cùng người niệm Phật

Đồng sanh Cực lạc quốc

Thấy Phật thoát sanh tử

Như Phật độ hết thảy”.

Lại đảnh lễ mà lui ra.  Nếu chí thành được như vậy thì không một ai là chẳng vãng sanh, chỉ sợ chỗ đạt đến phẩm vị ở trong cửu phẩm chẳng được cao mà thôi.  Còn như người không biết chữ, dạy họ học thuộc lòng bài kệ này cũng được phước báo lớn.

 

Pháp Môn Tu Trì – 02

Vương Long Thư Cư Sĩ

 

Mỗi sớm mai thức dậy chắp tay quay mặt về hướng tây đảnh lễ, tác niệm:

Nam Mô A Di Đà Phật  (10 lần)

Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát  (10 lần)

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát  (10 lần)

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát  (10 lần)

Lại đảnh lễ, niệm toàn bộ bài kệ khen ngợi Phật và sám tội hồi hướng phát nguyện của Đại Từ Bồ-tát rằng:

Thập phương tam thế Phật

A Di Đà đệ nhất

Cửu Phẩm độ chúng sanh

Oai đức vô cùng cực

Ngã kim đại quy y

Sám hối tam nghiệp tội

Phàm hữu chư phước thiện

Chí tâm dụng hồi hướng

Nguyện đồng niệm Phật nhân

Cảm ứng tùy thời hiện

Lâm chung Tây Phương cảnh

Phân minh tại mục tiền

Kiến văn giai tinh tấn

Đồng sanh Cực lạc quốc

Kiến Phật liễu sanh tử

Như Phật độ nhất thiết.

Lại đảnh lễ mà lui ra.  Bài kệ này có uy lực rất lớn, hay có thể tiêu trừ tất cả tội, tăng trưởng hết thảy phước lành.  Phàm khi đảnh lễ, nếu có thể đốt nhang khi lễ bái thì càng quý.  Mỗi ngày đều được như vậy tất được cửu phẩm trung sanh.  Còn nếu như dạy người niệm bài kệ này được phước báo lớn.

Nếu trong lúc niệm Phật mà không có tượng Phật ở trước mặt, thì nên dùng tâm quán tưởng tự thân như đang ở cõi tịnh độ, chắp tay đứng trước đức Phật và cung kính niệm Phật.  Lúc niệm Bồ tát cũng lại như vậy.  Trong lúc lễ lạy và niệm kệ cũng nghĩ tự thân như đang tại cõi Tịnh độ, ở trước Phật cung kính lễ bái và tụng niệm bài kệ.  Lúc có tượng Phật, Bồ-tát rồi thì chẳng cần làm như vậy.  Tuy nhiên cần phải nhiếp tâm quán tưởng hình tượng Phật và Bồ-tát.  Tưởng như Phật, Bồ-tát đang hiện thân ở trước mặt, thọ nhận sự lễ bái của ta và đang lắng nghe ta niệm tụng.  Chuyên tâm chí thành được như vậy, thì đến kỳ vãng sanh phẩm vị tất cao.  Nếu như gia công tinh tấn, mỗi ngày niệm Phật 3 lần, 5 lần, hoặc niệm được đến ngàn tiếng, vạn tiếng, cho đến ngày đêm niệm Phật chẳng thôi, lại đem pháp môn niệm Phật rộng dạy cho mọi người, khiến cho kia cũng trợ duyên khuyến hóa, thì đến lúc vãng sanh tất được thượng phẩm thượng sanh.

 

XétChỗ này chỉ chuyên nói về những hạng người quá bận rộn và người không biết chữ, cho nên lập nên pháp niệm Phật giản dị này và cũng khiến cho hàng sơ học nhờ chỗ dễ này mà có thể bước vào.  Có thể chọn lấy một pháp mà hành trì, ngày ngày đều chí thành được như vậy, thì không một ai là chẳng được vãng sanh.  Nếu tăng thêm khóa tối, hoặc trong lúc rảnh liền khởi niệm, hoặc lúc làm việc cũng không gián đoạn niệm Phật và đem pháp môn này rộng khuyến hóa, thì đến lúc vãng sanh phẩm vị tất cao.