Việc Cuối Cùng của Đời Người

Hoàng Nhất Đại Sư

Tiết Lục Việc Cuối Cùng của Đời Người

 

Khi bệnh chưa trở nặng thì nên uống thuốc, nhưng cần phải tinh tấn niệm Phật, chớ nên nghĩ rằng mong uống thuốc cho được mau lành.  Còn khi con bệnh đã trở nặng rồi thì có thể không cần dùng thuốc nữa, mà nên đem tất cả việc nhà cùng việc của tự thân thảy đều buông xuống, chuyên tâm niệm Phật, một lòng cầu sanh tây phương.  Có thể làm được như vậy thì khi thọ mạng vừa dứt quyết định vãng sanh.  Nếu thọ mạng chưa hết thì sẽ mau chóng lành trở lại, nhờ tâm chuyên nhất chí thành, hay tiêu trừ được ác nghiệp của quá khứ.  Nếu đau đớn quá mức, thiết yếu chớ nên kinh hoàng.  Phải biết nhân của bệnh khổ này, tức là nghiệp chướng của kiếp xưa, nó có thể chuyển thành cái khổ vị lai ở trong tam đồ ác đạo, nay đã chuyển nhẹ làm thành bệnh này để trả cho hết.  Nếu thần thức tỉnh táo, nên thỉnh thiện tri thức đến vì mình thuyết pháp, đem nhân duyên bệnh đời nay tận lực an ủi.  Chỗ tu được thiện nghiệp thì mỗi mỗi dùng lời nói lành mà tán thán khen ngợi, khiến kia tâm sanh hoan hỷ, không còn nghi ngờ lo lắng.  Tự biết sau khi mạng chung, nương theo thiện nghiệp, quyết định vãng sanh tây phương.

Viết di chúc nên viết lúc còn khỏe mạnh, giao phó cho người cất giữ. Trong giây phút lâm chung, xin chớ nên cật vấn di chúc, lại cũng chớ nên nói chuyện tạp nhạp. Vì sợ làm trói buộc đánh động tình cảm, tham luyến thế gian, làm trở ngại vãng sanh.  Hoặc ngồi hoặc nằm, đều nên chìu theo ý kia, nếu tự cảm thấy khí lực suy yếu thì có thể nằm xuống, nên nằm nghiêng hông bên phải mặt hướng về tây.  Nếu nhân vì đau đớn thì thuận theo tự nhiên, không cần miễn cưỡng.  Nếu bệnh nhân tự nói muốn tắm rửa thay áo, thì nên thuận theo ý mà làm.  Bằng không thì chớ nên cưỡng ý mà làm, tránh làm kia thêm thống khổ, phá hoại chánh niệm, không thể vãng sanh.  Đại chúng lúc trợ duyên niệm Phật, nên thỉnh tượng A Di Đà Phật đang đứng tiếp dẫn, đặt chung trong phòng của người bệnh, khiến kia mắt có thể nhìn thấy được.  Theo kinh nghiệm của tôi lúc thần kinh suy yếu, lúc bệnh rất sợ tiếng dẫn khánh và tiếng mõ nhỏ.  Nhân vì âm thanh bén nhọn đâm chích vào thần kinh, ngược lại khiến cho tâm thần chẳng an, tận dụng âm thanh tiếng niệm Phật, để trợ niệm là thỏa đáng nhất.  Hoặc có thể đổi thành chuông lớn, mõ lớn, âm thanh hùng tráng, hay có thể khởi phát tâm niệm cung kính.  Hoặc niệm 6 chữ hay 4 chữ, niệm nhanh hay chậm, đều nên trước hỏi người bệnh, tùy theo thói quen hằng ngày họ hành trì và tâm vui thích mà thi hành theo, nếu vẫn chưa thích hợp thì có thể tùy thời thay đổi, muôn ngàn lần chớ nên cố chấp.

Trước và sau giờ lâm chung, thân bằng quyến thuộc quyết không thể khóc mới có thể tận lực niệm Phật trợ duyên, để giúp người mất có được lợi ích.  Nếu nhất định cần phải khóc thì cố nén đợi sau khi mạng chung 8 tiếng mới có thể khóc.  Việc trợ niệm cho người mất xong liền đóng cửa phòng lại tránh cho người tiếp xúc và đụng chạm vào thân người mất.  Trải qua 8 tiếng rồi mới có thể tắm rửa thay áo, nếu tay chân các đốt bị co cứng, không thể chuyển động thì nên dùng nước nóng rảy lên, dùng khăn nhúng nước nóng vắt sơ và đắp quấn quanh các khuỷu tay chân, không lâu liền có thể hoạt động lại như người sống.

Liệm y nên dùng đồ cũ, đồ mới nên bố thí cho tha nhân khiến người mất được phước.  Không nên dùng quan tài tốt, cùng xây đắp phần mộ to lớn, thảy đều bất lợi cho người mất.  Trong bảy thất 49 ngày nên thỉnh Tăng tiến vong (cúng linh).  Dùng niệm Phật làm chính, nếu tụng kinh bái sám, diệm khẩu vô già thủy lục, v.v… Tuy có được công đức bất khả tư nghị.  Nhưng ngày nay Tăng chúng nhìn theo kinh văn, làm cho xong việc, chẳng thể như pháp nên khó có được thật ích.  Ở trong văn sao của Ấn Quang đại sư, ngài nhiều lần răn nhắc bài bác.  Nếu chỉ chuyên niệm Phật, tức người người đều có thể niệm, tối vi thiết thật, hay hoạch được lợi ích.  Mọi người trong gia tộc nên phát tâm niệm theo, còn đàn bà con gái có thể ở trong phòng hay sau bức màn mà niệm để tránh tiếng người dị nghị hiềm chê.

Làm tang lễ nên dùng đồ chay, xin chớ dùng huân tửu, cho đến sát hại sanh vật, chẳng lợi cho người mất.  Nghi thức văn sớ đưa tang xin chớ quá phô trương, nên vì vong linh mà tính phước.  Trong 7 tuần thất tiếp theo, cũng nên thường làm cúng tế để tận lòng hiếu thảo.  Giây phút sắp mạng chung là thời khắc cuối cùng của đời người. Nếu đối với việc vãng sanh mà trước đó chẳng có sự chuẩn bị ổn thỏa, thì khi lâm chung tay chân quờ quạng, ác nghiệp trong nhiều kiếp đồng thời hiện ra, làm sao vượt thoát? Tuy nương theo người khác trợ niệm, mọi sự đều như pháp, nhưng cũng đều nhờ vào sự tu tập hằng ngày của bản thân   thì khi lâm chung mới có thể tự tại.  Vì vậy khuyên mọi người nên sớm dự bị cho tốt.

 

XétViệc tu trì do cá nhân hằng ngày tu tập, mà gom lại khẩn yếu đặc biệt là ở giây phút cuối cùng.  Vì vậy đại sư ở đây trích lục gia ngôn cổ kim cùng kinh nghiệm bản thân để bàn luận.  Nên di chúc cho gia thân quyến thuộc cần phải thiết thật tuân theo, thiết nguyện sớm dự bị tư lương cho tốt.