Cái học của thánh hiền, cố nhiên không phải một ngày mà đủ, học ngày không đủ thì tranh thủ học đêm. Rồi chứa góp hàng tháng hàng năm tự nhiên sẽ được thành tựu. Thứ nữa, nếu chỉ biết học mà không thưa hỏi cho rõ ràng thì không do đâu mà phát minh được tâm địa. Đời nay ít có những người học mà biết cách nêu ra câu hỏi với người để làm sáng tỏ tâm mình. Như vậy không biết đem cái gì để giúp ích cho tâm địa, để chuyển hóa làm mới mỗi ngày vậy.
Tag: Daily Dharma
Đức Phật dạy: nếu có chúng sanh nào biết trả ơn, người ấy là người đáng kính. Ơn nhỏ còn chẳng quên, huống chi là ơn lớn. Kẻ ấy dầu cách ta trăm ngàn do tuần cũng như gần bên ta chẳng khác; Ta thường khen ngợi. Trái lại, nếu có chúng sanh nào chẳng biết trả ơn, ơn lớn còn chẳng nhớ huống là ơn nhỏ; người như vậy dầu có gần ta, ta cũng chẳng gần, dầu ở gần hai bên trái phải của ta đi nữa, người ấy vẫn như cách xa ta.
Đạo đức nhân nghĩa không phải chỉ dành riêng cho một ai, mà người nào cũng đều có phần. Nếu với người căn khí không thanh tịnh, chí khí lại hẹp kém, thực hành thì bất lực, lại bị danh văn lợi dưỡng nó lôi kéo, tự mình lại không tỉnh giác được. Tất sẽ đánh mất đi phần nhân nghĩa đạo đức. Còn ngược lại, học vấn đủ sâu rộng, trí tuệ được sáng tỏ, luôn giữ mình ở chỗ trung chính, không bị thanh sắc nó di chuyển, tức là người sống được với tâm nhân nghĩa đạo đức vậy.
Người học đạo nên gần gũi bạn lành, phải nên tìm người đáng làm bậc thầy của mình, luôn mang lòng tôn kính. Khi làm việc gì cũng nên lấy đó làm gương mà bắt chước. Hoặc giả, trí thức của họ với mình có khác biệt quá xa, thì mình cũng có thể từ trong đó tìm thấy cái hay của họ, bỏ qua những cái không đồng quan điểm với mình. Y theo đó mà làm bạn, để cảnh sách những chỗ mà mình chưa theo kịp, làm bạn như thế mới mong có ích.
Dùng việc thà mất ở chỗ thong thả chớ nên để mất ở chỗ cấp bách. Thà mất ở chỗ sơ lược, chớ nên mất ở chỗ tỉ mỉ. Chỗ cấp bách mà bị đánh mất thì cơ hội cũng mất nên chẳng thể cứu vãn được, chỗ tỉ mỉ mà không làm kỹ càng thì không dung thứ được. Nên phải giữ nó ở phần trung đạo, dùng cách khoan thai chậm rãi để đối xử với mọi công việc. Có như thế, ngõ hầu mới giữ được phép tắc khi “tới chúng làm việc”.
Người muốn làm việc lớn thì phải lấy chỗ hiểu biết của mọi người để làm chỗ hiểu biết của mình. Thường sợ chẳng suốt được tình của mỗi vật, chẳng hiểu được lý của mỗi việc. Luôn luôn tìm hiểu ghi nhận những điều hay, hỏi xác đáng nghĩa lý ở những điều phải trái trong bất cứ việc lớn hay nhỏ. Mầm mống của việc nhỏ là sự lớn mạnh của việc lớn về sau, điều thầm kín ẩn dấu là đầu mối cho sự hiển bày bộc phát. Vì vậy, người hiền thì cẩn thận ngay từ lúc ban đầu, thánh nhân giữ gìn ở điều răn cấm. Dòng nước tuy nhỏ, nhưng nếu không ngăn chặn thì sẽ biến ruộng dâu thành biển cả. Ngọn lửa tuy nhỏ, nhưng nếu không dập tắt thì sẽ cháy lan cả núi rừng đồng ruộng. Một khi nước chảy, lửa cháy đã thịnh, tai họa đã thành, thì dù có muốn cứu vãn cũng không sao kịp được.
Việc làm của con người có quá nhiều sự sai lầm. Cho dù bậc thượng trí hay kẻ hạ ngu, đều khó có thể tránh miễn được. Do đó từ xưa đến nay, các bậc cao đức đều công nhận rằng: nếu biết sửa đổi lỗi lầm là người hiền, chẳng lấy việc không lầm lỗi cho là người tốt. Chỉ người có trí mới hay sửa lỗi đổi lại nết ngay. Còn kẻ ngu thì phần nhiều lại trang sức để che đậy lầm lỗi. Sửa lỗi đổi lại nết ngay thì đức đó ngày một mới, nên gọi là quân tử. Trang sức che đậy chỗ sai lầm, thời ác đó ngày càng dầy, nên bảo đó là tiểu nhân. Bởi thế, thấy việc nghĩa mà lại dời bỏ, đó là cái nạn thường tình, thấy điều thiện mà vui theo, là chỗ chuộng của người hiền đức.
Quyết phải tin chắc lời của Tổ sư dạy: Tạp niệm lăng xăng làm sao hạ thủ công phu? Chỉ cần nắm chắc một câu Nam mô A Di Đà Phật, niệm tới niệm lui giống như cầm cây chổi sắt quét dọn, càng quét nó càng nhiều, càng nhiều lại càng quét, quét xuôi không được thì quét ngược, hốt nhiên quét tận thái hư không, muôn sai ngàn biệt một đường thấu suốt, liền thấy Tịnh-độ hiện tiền.
Sự việc có từ trong vi tế đi đến chỗ hiển bày rõ rệt, công lao có từ chỗ góp nhỏ mà trở thành vĩ đại, chưa từng thấy ai không học mà thành tài, không tu mà thành đạt. Nếu hiểu được đạo lý này thì ai cũng có thể tìm được thầy, chọn được bạn, học được đạo, tu được đức, và cũng có thể thi thố được bất cứ việc gì trong thiên hạ. Do đó, tự mình phải là người khởi đầu cho mọi việc, có được cái dụng hằng ngày là căn cứ ở sức làm việc, không nên vì khó dễ mà thay đổi ý chí. Được như thế thì một ngày kia công danh sự nghiệp nhất định thành tựu.
Trong hoạn nạn mà có thể sanh được phước lành là hiện tại tuy ngoại duyên gặp tai ách, nhưng trong lòng thì tha thiết mong cầu được bình yên, tâm ý luôn khắc sâu nơi lý đạo, làm gì cũng biết hay kính cẩn lo sợ, nhờ đó mà sanh khởi được phước lành. Lúc hưởng phước hay sanh ra họa hoạn là khi ngoại duyên sống được an lành, sung sướng nên trong lòng hay sanh ra phóng túng xa hoa, ham muốn vô lý, lười biếng viện cớ, rồi sanh tâm dối khinh lừa gạt, vì thế nên họa mới sanh.
You must be logged in to post a comment.